Việc nhà máy thủy điện chây ì không trả dịch vụ môi trường rừng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng mà phần lớn đều ở vùng sâu, vùng xa đời sống còn nhiều khó khăn. Mặt khác, còn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác bảo vệ và phát triển rừng của địa phương.
Có thể khẳng định với việc thực hiện khoán chăm sóc, bảo vệ rừng mà không có kinh phí thì hầu như mọi hoạt động liên quan đến bảo vệ rừng đều ngưng trệ. Đặc biệt những diện tích rừng chịu ảnh hưởng của các thủy điện nếu không có sự chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng kịp thời, liên tục thì hậu quả sẽ rất khó lường như xảy ra thiên tai, lũ lụt sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với người dân, sự tàn phá cơ sở hạ tầng sẽ rất khủng khiếp…
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh cho rằng đã "nhiều lần gửi văn bản, cử cán bộ trực tiếp đến yêu cầu trả tiền dịch vụ môi trường rừng nhưng các doanh nghiệp này vẫn chưa trả, họ đang chiếm dụng vốn.
Đơn vị chịu trách nhiệm thu tiền dịch vụ môi trường rừng mà giải thích như vậy là chưa thuyết phục. Bởi lẽ, các thủy điện, điện gió hay các nhà máy điện khác không được trực tiếp phân phối điện, bán lẻ điện cho người dân, cơ quan, tổ chức. Hầu hết các nhà máy sản xuất điện đều phải bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam, vì việc phân phối điện hiện nay đang thuộc độc quyền của nhà nước.
Do đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng chỉ cần phối hợp, làm việc với đơn vị điện lực phụ trách việc mua bán điện với các nhà máy thủy điện là có thể thu được tiền dịch vụ môi trường rừng. Bởi khi các nhà máy cố ý chây ì không trả tiền thì có thể khấu trừ vào số tiền bán điện của những nhà máy này hoặc yêu cầu cơ quan chức năng tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hợp đồng mua bán điện cho đến khi trả hết nợ; thậm chí có thể khởi kiện. Không thể chấp nhận, kéo dài tình trạng dây dưa, chây ì không trả dịch vụ môi trường rừng đã gần chục năm qua mà không có giải pháp cụ thể.
Bình luận (0)