Chiều 8-4, xảy ra một vụ xô xát giữa một thanh niên và 1 phụ nữ tại quán bánh xèo ở đường Phạm Cự Lượng, phường An Hải Đông, TP Đà Nẵng. Theo người phụ nữ tố cáo, chị bị một thanh niên đánh vì cãi nhau sau khi chị chờ bánh xèo lâu, chị vào quán tự phục vụ, bê bánh ra, có bánh trước nhiều người khác. Sau đó, người thanh niên này thách thức, được đưa lên công an phường làm việc nhưng lại được xe công vụ của Công an phường Thanh Khê Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng tới đưa về. Theo Phó trưởng Công an phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, thanh niên Nguyễn Trần Vĩnh Khang (SN 1996) được cha ruột tới bảo lãnh tại công an phường lúc 22 giờ 30 cùng ngày.
Nhiều bạn đọc thắc mắc không biết có phải vì có người thân là công an như nam sinh viên đó huênh hoang, nên dù đánh người phụ nữ đến nỗi bị gãy sống mũi, xuất huyết mũi, gãy 4 cái răng, dập nhãn cầu mắt vẫn được bảo lãnh? Trả lời nghi vấn này, theo luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật Kao Kiến, cho biết tại điều 121 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định bảo lãnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lãnh.
Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lãnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lãnh thì có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 2 người. Cá nhân nhận bảo lãnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lãnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 3 điều này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lãnh được thông báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lãnh.
Bị can, bị cáo được bảo lãnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan; không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.
Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của bộ luật này, thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định bảo lãnh. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của bộ luật này phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Thời hạn bảo lãnh không được quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của bộ luật này. Thời hạn bảo lãnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lãnh để bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị phạt tiền theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định trên, theo luật sư Cao Thế Luận trong trường hợp không cần thiết, cơ quan chức năng vẫn cho Nguyễn Trần Vĩnh Khang về khi đã làm việc xong. Việc cho về không có nghĩa là cơ quan chức năng không xử lý vụ việc mà vẫn giám sát, triệu tập khi cần thiết. Trường hợp, khi đủ các yếu tố cấu thành tội, cơ quan chức năng vẫn có thể khỏi tố vụ án, khởi tố bị can.
Bình luận (0)