Đánh giá về công tác xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường công cộng thời gian qua, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM, cho rằng Nghị định (NĐ) 155/2016 và NĐ 167/2013 quy định các hành vi vi phạm và mức phạt khá rõ ràng. Lực lượng chức năng cũng tích cực tuyên truyền, xử lý nhưng tình trạng xả rác vẫn còn diễn ra nhiều nơi.
Vi phạm nhiều, phạt chẳng bao nhiêu
Theo ông Thắng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: Ý thức một số người dân còn kém, công tác tuyên truyền chưa hiệu quả; lực lượng chức năng còn "nhát tay", du di đối với các trường hợp vi phạm là người thu nhập thấp bởi mức phạt theo NĐ 155/2016 cao gấp nhiều lần so với mức phạt của NĐ 167/2013… Tuy nhiên, cái chính vẫn là thiếu lực lượng kiểm tra, lập biên bản bởi cán bộ phường - xã kiêm nhiều nhiệm vụ, không thể thường xuyên cơ động kiểm tra ngoài đường. Vi phạm nhiều, phạt không bao nhiêu nên thiếu tính răn đe.
Vừa qua, nhằm tăng cường lực lượng kiểm tra vốn đang quá mỏng, bên cạnh lực lượng chuyên trách của phường - xã, UBND TP HCM đồng ý giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng cho đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng trên địa bàn.
"Do 2 lực lượng này cơ động và tuần tra mỗi ngày trên địa bàn nên nếu người dân có hành vi xả rác, tiểu tiện, đổ nước thải không đúng quy định thì có thể bị phạt rất nặng. Sở TN-MT đã kiến nghị Bộ TN-MT bãi bỏ các quy định xử phạt về bảo vệ môi trường tại NĐ 167/2013, thay vào đó chỉ áp dụng mức phạt duy nhất theo NĐ 155/2016. Ngoài ra, sở sẽ có văn bản kiến nghị Bộ TN-MT bổ sung quy định xử phạt hành vi đổ, bỏ chất thải rắn xây dựng không đúng quy định trong NĐ 155/2016/NĐ-CP để hạn chế tình trạng rác xà bần, bê-tông, vữa, gạch, bùn nạo vét… đổ bừa bãi như hiện nay" - ông Thắng cho biết.
Riêng việc dùng camera an ninh, camera giao thông "phạt nguội" hành vi xả rác, tiểu tiện bậy mà Sở TN-MT đã đề xuất trước đó được TP giao các sở - ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, khi đủ điều kiện sẽ triển khai.
Công nhân nạo vét cống để việc thoát nước mùa mưa hiệu quả hơn
Chỉ cần phạt 1 lần...
Bức xúc và đau đầu trước tình trạng xả rác bậy làm che lấp miệng hố ga, bít cống thoát nước khiến thu hẹp dòng chảy, gây ngập nghẹt mỗi khi mưa lớn…, tháng 9-2018, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP (viết tắt Công ty Thoát nước đô thị) đã ứng dụng phần mềm trên điện thoại thông minh, loa tuyên truyền cho 40 tuần tra viên của công ty. Chỉ cần phát hiện rác tại miệng cống, hố ga, tuần tra viên sẽ chụp ảnh gửi về công ty, sau đó phát loa tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định. Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị chụp hình và gửi về địa phương nhắc nhở hoặc xử phạt theo đúng thẩm quyền.
"Chỉ sau 3 tháng triển khai phần mềm, đội tuần tra phát hiện 36.000 vị trí hố ga, miệng cống bị rác che lấp, qua nhắc nhở giảm 20% vị trí. Có nơi người dân cố tình bỏ rác thường xuyên, ngày nào tuần tra viên cũng đến bật loa tuyên truyền, rỉ rả chừng một tuần cũng có chuyển biến" - ông Bùi Văn Trường, Trưởng Phòng Quản lý Vận hành hệ thống thoát nước mưa Công ty Thoát nước đô thị, cho biết.
Ngoài việc dùng điện thoại thông minh để hỗ trợ, Công ty Thoát nước đô thị còn lắp đặt 338 hố ga ngăn mùi kiểu mới, có lưới chắn rác trên một số tuyến đường của TP. Không chỉ ngăn mùi, giảm lượng rác chảy vào cống, hố ga này còn cải tạo mỹ quan đô thị, đồng bộ vỉa hè - lòng đường…
"Công trình được đánh giá mang lại hiệu quả cao, một số tỉnh như Vĩnh Long, Bình Phước đã triển khai. Chúng tôi đã thuê công ty độc lập xây dựng đơn giá định mức và đã trình Sở Xây dựng xem qua. Nếu được TP chấp thuận chủ trương, sắp tới, hàng ngàn vị trí sẽ được thay bằng hố ga ngăn mùi kiểu mới này" - ông Trường thông tin.
Đánh giá về việc đổ rác bừa bãi của một số người dân, ông Trường cho rằng các quy định xử phạt đã có, chỉ cần lực lượng chức năng thực hiện nghiêm, mức phạt nặng thì sẽ đủ răn đe. Chỉ cần bị phạt 1 lần, người ta sẽ không dám tái phạm.
Đa dạng hoạt động tuyên truyền
Tham gia cuộc vận động "Không xả rác ra đường và kênh rạch", nhiều quận - huyện trên địa bàn TP HCM đã có nhiều công trình đem lại hiệu quả thiết thực. Trong đó, điển hình là công trình cải tạo điểm đen môi trường thành công viên cho trẻ em (quận Bình Thạnh); công trình thùng rác bảo vệ môi trường, công trình góc phố văn minh - sạch đẹp - nghĩa tình (quận Phú Nhuận); công trình tuyến hẻm văn minh - sạch đẹp (quận 3, 11, Tân Bình); công trình "Khơi thông dòng chảy" (quận 8, 9, Bình Thạnh)...
Các tổ chức chính trị - xã hội cũng kiên trì thực hiện nhiều cách thức tuyên truyền, như: Thành Đoàn TP HCM tổ chức các Ngày chủ nhật xanh; công trình "Không gian xanh" nhằm tạo mảng xanh và thực hiện sân chơi bằng vật liệu tái chế; chiến dịch "Hãy làm sạch biển" tại Cần Giờ được nhiều người dân, du khách cùng tham gia. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP tổ chức phong trào "Chống rác thải nhựa", vận động hạn chế thói quen sử dụng túi ni-lông, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. LĐLĐ TP HCM có mô hình "Công nhân vì thành phố xanh - sạch - đẹp", qua đó LĐLĐ quận - huyện chủ động phối hợp với các chủ nhà trọ phát triển các tổ công nhân tự quản khu nhà trọ thành mô hình "Khu nhà trọ xanh - sạch - đẹp", "Khu nhà trọ văn minh - nghĩa tình"...
H.Hiếu
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-5
Bình luận (0)