xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đóng cửa hàng loạt phòng học xuống cấp

Bài và ảnh: ĐÌNH THI

Sau sự cố sập phòng học khiến 11 học sinh bị thương ở Trường THCS và THPT Đống Đa (TP Đà Lạt), tỉnh Lâm Đồng đã rà soát tất cả các phòng học lâu năm trên địa bàn


Trong năm học 2017-2018, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 40 phòng học xuống cấp nghiêm trọng buộc phải đóng cửa để bảo đảm an toàn trong việc dạy và học. Tuy nhiên, theo bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Lâm Đồng, "đây vẫn chưa phải là con số chính xác, hiện Sở GD-ĐT đang tiếp tục rà soát lần thứ 2 để có cơ sở đề xuất kinh phí đầu tư, duy tu bảo dưỡng, dự kiến ngày 20-9 sẽ có kết quả cụ thể".

Tận dụng phòng chức năng, tăng ca học

Cụ thể, năm học 2017-2018 sẽ niêm phong 20 phòng học và 4 phòng bộ môn của Trường THCS và THPT Đống Đa; 4 phòng học tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng (năm học 2015-2016 đã niêm phong 5 phòng); 10 phòng học tại Trường THCS và THPT Chi Lăng.

Ông Đào Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Chi Lăng, xác nhận sau khi các ngành chức năng kiểm tra rà soát, đã tiến hành đóng cửa 10 phòng học dãy A của trường. Dự kiến, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ đầu tư xây dựng lại vào năm 2018.

Đóng cửa hàng loạt phòng học xuống cấp - Ảnh 1.

Dãy phòng học gồm 9 phòng của Trường THPT Nội trú tỉnh Lâm Đồng buộc phải đóng cửa vì xuống cấp

"Dãy phòng học này được xây dựng trước năm 1975 với kết cấu sàn bê-tông, nhà trường đã nhiều lần sửa chữa nhưng hiện nay có biểu hiện xuống cấp. Niêm phong 10 phòng học khiến 46 lớp học với gần 1.800 học sinh (HS) của trường phải sắp xếp trong những phòng học còn lại, kể cả việc tận dụng tối đa các phòng chức năng và tăng thêm ca học. Trường không còn không gian và thời gian để bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu" - ông Hưng cho biết.

Còn theo ông Trần Đức Minh, Trưởng Phòng GD-ĐT TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Phòng GD-ĐT TP Đà Lạt quản lý 49 trường tiểu học và THCS, các trường thuộc THCS và THPT do Sở GD-ĐT quản lý. Hiện tại, một số trường tiếp quản lại từ thời trước giải phóng rất khó thẩm định được tình trạng xuống cấp bởi hồ sơ, sổ sách bị thất lạc, nhiều trường không biết được xây dựng từ khi nào.

Phụ huynh lo lắng

Có con đang theo học tại Trường THCS và THPT Chi Lăng (TP Đà Lạt), ông Nguyễn Ngọc Hùng lo lắng: "Các con về kể đến trường không dám đùa giỡn vì có cảm giác lớp gạch lót sàn muốn bung ra khi chạy nhảy. Phòng học chật chội, tường bong tróc, nhiều điểm xuất hiện vết nứt, gãy với các khe hở lớn, rất nguy hiểm. Trong các cuộc họp phụ huynh, chúng tôi nhiều lần đề xuất đầu tư nâng cấp các phòng học xuống cấp nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được".

Chị Trần Thị Hoàng Thảo, mẹ của em Phạm Xuân Sơn, lớp 6A4, một trong 11 HS bị tai nạn trong vụ sập sàn học tại Trường THCS và THPT Đống Đa, lo lắng khi con phải học trong ngôi trường xuống cấp như vậy. "Ngày mưa, nước dột ướt hết, tường và trần bong tróc. Chúng tôi mong cấp trên sớm sửa chữa cơ sở vật chất để HS được an toàn".

Sau sự cố xảy ra tại Trường THCS và THPT Đống Đa, ông Huỳnh Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý với phương án chuyển toàn bộ HS của trường này sang học tại Trường ĐH Yersin Đà Lạt. Ban Giám hiệu Trường ĐH Yersin dành 14-20 phòng học, hội trường, sân chào cờ, sân tập thể dục... cho 1.450 HS của trường.

"Dự kiến, cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 sẽ chuyển trường. Ngoài ra, ngành giáo dục đã có phương án đầu tư khoảng 30 tỉ đồng để xây mới Trường THCS và THPT Đống Đa. Thẳng thắn mà nói, các phòng học buộc niêm phong nêu trên chỉ ở mức độ có dấu hiệu xuống cấp, thiếu an toàn chứ không đến nỗi sập. Hầu hết các trường trên địa bàn toàn tỉnh vẫn đang trong tầm kiểm soát" - ông Long nói thêm.

Ngôi trường gần 90 năm xuống cấp

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt (trước đây là Trường Lycée Yersin) được xây dựng năm 1927 và đưa vào sử dụng năm 1933. Ông Tạ Quang Vũ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trải qua gần 90 năm sử dụng và thiếu kinh phí sửa chữa nên hầu hết các khối nhà đều có dấu hiệu xuống cấp như mái ngói bị mục, vỡ, thấm dột khiến trần bị mục, nhiều xà kèo bằng gỗ bị mối mọt làm mục gãy, tường và sàn nhà bị nứt nhiều chỗ. Một số phòng học mỗi khi mưa lớn là nước tràn vào lênh láng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo