Để hỗ trợ nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), Chính phủ đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỉ đồng (tương đương 12% nhu cầu) nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH, nhà ở cho công nhân giai đoạn 2021-2030.
Nhiều thách thức, trở ngại
Thực tế thời gian qua, điều kiện tiếp cận các gói tín dụng quá khắt khe khiến nhiều công ty bất động sản ngại đầu tư vào dự án NƠXH.
Việc chậm giải ngân các gói hỗ trợ cũng là một thách thức lớn trong việc triển khai gói tín dụng NƠXH tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh việc giải ngân các gói hỗ trợ thường xuyên bị chậm trễ khiến thủ tục hành chính kéo dài và phức tạp. Điều này dẫn đến DN bất động sản gặp khó khăn trong việc hoàn thành dự án đúng hạn và phát sinh chi phí.
Một trở ngại khác mà các DN phải đối mặt là thiếu dòng vốn cho dự án NƠXH. Ngân hàng Chính sách Xã hội gần như là ngân hàng duy nhất liên quan, trong khi DN khó đầu tư vào dự án NƠXH do không tiếp cận được nguồn vốn cần thiết.
Vấn đề này cho thấy Chính phủ cần khuyến khích nhiều tổ chức tài chính hơn cung cấp các khoản vay cho dự án NƠXH. Ngoài ra, Chính phủ có thể xem xét cung cấp những ưu đãi, như giảm thuế và trợ cấp cho các tổ chức tài chính cho vay đối với dự án NƠXH. Điều này sẽ giúp thu hút thêm đầu tư và hỗ trợ phát triển nhà ở giá rẻ.
Lãi suất cho vay cao là một vấn đề khác mà DN phải đối mặt khi đầu tư vào dự án NƠXH. Với lãi suất hiện nay và giá vật liệu xây dựng tăng cao, DN buộc phải tăng giá bán nhà để tránh lỗ, khiến người thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở vừa túi tiền. Vì vậy, việc đưa ra những ưu đãi cho vay mua NƠXH minh bạch, phù hợp với quy định, tiêu chuẩn của các bộ, ngành liên quan là hết sức cần thiết.
Đơn giản hóa các thủ tục hành chính sẽ giúp đẩy nhanh việc giải ngân vốn cho dự án nhà ở xã hội. Ảnh: TẤN THẠNH
Các giải pháp gỡ vướng
Đơn giản hóa các thủ tục hành chính sẽ giúp đẩy nhanh việc giải ngân vốn cho dự án NƠXH. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan cấp bộ liên quan cần đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm những loại giấy tờ cần thiết để phê duyệt. Ngoài ra, các mốc thời gian rõ ràng cho từng bước của quy trình phê duyệt cần được thiết lập và thông báo cho những bộ phận và cơ quan liên quan, giúp giảm độ trễ.
Chính quyền địa phương phải bảo đảm rằng đội ngũ công chức được đào tạo đủ, trang bị tốt để xử lý các dự án NƠXH một cách hiệu quả. Chính phủ cần xây dựng những văn bản hướng dẫn rõ ràng để bảo đảm việc xác định dự án NƠXH đáp ứng các tiêu chí cần thiết để được tài trợ.
Bộ Xây dựng và các địa phương cần ban hành hướng dẫn rõ ràng về tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng đối với dự án NƠXH. Những hướng dẫn này nên bao gồm các tiêu chuẩn tối thiểu về kích thước căn hộ, chất lượng vật liệu được sử dụng và cách bố trí tòa nhà. Các hướng dẫn cũng nên phác thảo yêu cầu cụ thể đối với cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, các tiêu chí đủ điều kiện cho người vay, chẳng hạn yêu cầu về thu nhập và số người trong gia đình, cần được quy định rõ ràng và minh bạch để bảo đảm người vay tiềm năng hiểu được và có thể dễ dàng xác định liệu họ có đủ điều kiện vay hay không.
Chính quyền địa phương cần tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức có mục tiêu để thông báo cho người dân về gói tín dụng, tiêu chí đủ điều kiện và quy trình đăng ký. Có thể làm việc với các tổ chức cộng đồng, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan truyền thông địa phương để phổ biến thông tin về gói tín dụng…
Ngoài ra, chính quyền địa phương nên thành lập các trung tâm tiếp nhận hồ sơ vay vốn để đơn giản hóa thủ tục, cung cấp thông tin về gói tín dụng, hỗ trợ điền đơn xin vay và giúp người vay thu thập tài liệu cần thiết; sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để người vay có thể đăng ký vay trực tuyến…
Có cơ chế giám sát
Cần thiết lập cơ chế giám sát, bao gồm việc kiểm tra thường xuyên chất lượng dự án NƠXH, đặc biệt là về thiết kế, xây dựng và vật liệu sử dụng; đánh giá tác động của dự án NƠXH đối với những người hưởng lợi mục tiêu, chẳng hạn điều kiện sống của họ, thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Điều này sẽ giúp dự án NƠXH đạt được các mục tiêu dự định và mang lại lợi ích cho những đối tượng có nhu cầu.
Bên cạnh đó, cần thành lập một đơn vị chuyên trách trong Bộ Xây dựng hoặc một ủy ban ở cấp địa phương để giám sát việc thực hiện các dự án NƠXH.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-3
Bình luận (0)