Tiếng chuông chùa Hà thỉnh từ rất sớm. Lật tờ lịch giấy treo tường đã sang ngày rằm tháng Chạp. Bảo sao sáng sớm đã nghe vọng từ khu chợ tạm tiếng nói chuyện, tiếng xé báo để quấn hoa cho người mang đi lễ.
Từ lúc tình hình dịch bệnh căng thẳng, đền chùa đóng cửa im lìm. Chỉ có cô sãi, chú tiểu lo nhang khói, quét chùa. Các Phật tử tứ phương chỉ sắm lễ đứng vái vọng ngoài cổng.
Từ rằm tháng Chạp đến 23 ông Công ông Táo thời gian trôi rất nhanh. Mấy chốc lại đến Giao thừa.
Mưa bụi đã nhiều ngày. Gió lùa qua khe cửa từng đợt lạnh đến se lòng. Sàn nhà dính nhem nhép hơi nồm, phảng phất trong không khí hơi ẩm mốc của chiếc tủ bị mối xông, những cuốn sách cũ mòn đi bởi năm tháng,… Trong tâm trí kẻ xa xứ còn hiện rõ cả màu thời gian bám trên vai áo sờn bạc của bà, của mẹ.
Nhớ mùi rơm cuộn tròn nhét vào kiềng gạch xếp cao làm mồi lửa.
Nhớ mùi trấu thóc rắc vào củi khô làm ngọn lửa bùng lên để đun nước, nấu cơm.
Nhớ mùi trái tiêu cay nồng được người nhà làm ăn trên Đắk Lắk gửi cho. Tiêu sọ còn nguyên hạt, mẹ mang chày cối ra giã chan chát, vang vọng khắp xóm.
Nhớ mùi trái cây vườn nhà chín rụng, không có thuốc sâu, phân bón hóa học.
Nhớ mùi trà chát bố pha lẫn với hoa nhài và nhụy sen.
Và tôi nhớ nhất là mùi Tết quê thuở cả xóm làng còn nghèo khó. Căn nhà ngói ba gian từ đời cụ để lại cho bố tôi, không khang trang cũng không quá lụp xụp, cứ thế ở bao năm chẳng sửa sang, sắm sửa gì thêm.
Bố tôi mồ côi từ nhỏ nên anh em tôi cũng không biết cảm giác được ông bà nội chăm sóc thế nào cả. Anh em tôi cứ thế lớn lên trong cái đói, cái nghèo của xóm cũ, nằm sâu tận góc cuối đình làng, chỉ ồn ã những chiều các thím xóm trên đeo quang gánh xuống quẩy nước về vo gạo, rửa rau. Mãi đến năm tôi học lớp sáu, bố tôi mới đi công trình xây dựng tận trên Sơn La. Cũng từ đó, gia đình tôi mới khấm khá hơn.
Năm nào cũng thế, cứ vào khoảng cuối tháng 10, khi bão đổ về dồn dập, bố tôi lại bắc thang leo lên mái đảo lại ngói. Mẹ tôi đội nón đứng trong nhà cầm gậy dài chọc chọc làm lập cập viên ngói vênh để bố sửa lại. Đến cuối năm, bố tôi lại trèo lên chỉnh ngói một lần nữa để ông bà có về ăn Tết cùng con cháu.
***
Nhà hàng xóm đã eng éc tiếng lợn bị chọc tiết. Cả xóm xúm xít, mỗi nhà đụng một phần con lợn để ăn Tết. Thấy bố cúi xuống nhặt chiếc mũ cối úp chụp trên phần đầu buộc túm bao thóc trong góc bếp rồi đi xuống nhà dưới, tôi bẽn lẽn, nhỏ to với anh trai:
- Bố đi rồi đấy. Thế là nhà mình sắp có thịt lợn để gói bánh chưng hả anh? Anh dặn bố gói cho hai anh em mình mỗi đứa một cái bánh chưng tí hon nhé!
- Mày đi mà nói. Năm ngoái anh nói rồi còn gì. Năm nay phải đến lượt mày chứ!
- Nhưng em sợ bố lắm! Hôm qua em trốn ngủ trưa, bố chỉ lườm chứ có mắng em đâu! Em sợ lắm. Anh nói đi.
Ngoài ngõ, tiếng chổi tre quèn quẹt trên nền vữa bong tróc. Mẹ tôi đang khom lưng quét gom lại một đóng lá me già rụng rồi đốt khói mù mịt. Mẹ rũ tay áo xuống đến khuỷu tay, rồi đưa lên quệt đôi mắt cay xè khói. Tiếng mẹ gọi vọng vào nhà trong:
- Hai đứa sang bà lấy lá dong về đi, để chiều mẹ còn gói bánh.
Nhận được "lệnh", anh tôi nhanh nhảu:
- Mẹ ơi, mẹ bảo bố gói cho con với em mỗi đứa một cái bánh chưng bé mẹ nhé...
Thời gian trôi nhanh như gió thoảng mùa thu, ai rồi cũng phải lớn lên rồi rời xa vòng tay của bố mẹ. Lâu lâu dưới quê có giỗ chạp, hoặc lễ Tết, anh em chúng tôi ở xa đều cố gắng thu xếp để về. Ai cũng tranh thủ về được chốc lát rồi lại hối hả lái xe đi lo công việc, để lại trong lòng cha mẹ một khoảng trống và nỗi buồn miên man. Ở nhà, cứ mỗi lần thấy bóng chiếc xe lạ đi chầm chậm ngoài ngõ, mẹ lại thấp thỏm đoán già đoán non, hay là cái Tý hay thằng Tèo nó về?
Cả tuổi thơ, anh em tôi háo hức đợi nghe tiếng xe đạp cũ kỹ kêu lọc cọc mẹ đi chợ về để được chia cho chiếc bánh rán đường. Đến khi trưởng thành, biết cha mẹ già ở nhà ngày nào cũng tựa cửa ngóng trông con cái trở về mà bởi những gánh lo cuộc đời mà bỏ lỡ những ngày sum vầy trong nỗi xót xa cất đựng tận sâu trong đáy lòng.
Năm nay dịch bệnh phức tạp, mỗi lần nghe tin bố ốm, mẹ đau mà tâm tư tôi nặng trĩu bởi không thể về nhà ngay được. Qua những cuộc điện thoại gọi về, tôi cảm nhận thấy ngoài sự phấn chấn khi mẹ khoe đã trồng cả mấy luống khoai lang đợi tôi về, còn cả sự giấu giếm bệnh tình trong lời nói ngập ngừng "mẹ khỏe, mẹ vẫn bình thường". Sau này, khi làm cha, làm mẹ, tôi cũng sẽ hiểu được ẩn giấu trong những lời nói dối ngọt ngào ấy là tình yêu thương vô bờ.
Từ lúc ra trường rồi đi làm, năm nào tôi cũng về nhà vào ngày 28 Tết. Nhà bố mẹ và nhà ông bà ngoại cách nhau một vách tường, mỗi lần về nhà thấy nhà cửa vắng là tôi biết chắc chắn bố mẹ đang ở bên nhà ngoại nên vội vàng cất đồ đạc rồi ù chạy ngay sang.
Mảnh vườn con con trước nhà ngoại xanh tốt rau cỏ trồng từ vụ đông. Bà tôi già lắm rồi. Tấm lưng còng phơi mưa nắng đang lom khom chặt bắp cải, su hào, súp lơ để mợ tôi chở lên chợ huyện đổ buôn. Còn một luống trồng đủ loại rau thì bà để lại nhà ăn và ra Tết gói ghém cho con cháu trên thành phố mang đi.
Tết ở quê tôi cũng đơn giản. Gà thì của nhà tự nuôi. Thịt lợn thì "đụng" nhà hàng xóm một đùi. Lá dong, gạo nếp, đậu xanh nhà sẵn có. Hạt tiêu được người bà con trên Đắk Lắk gửi về biếu. Rau củ ngoài vườn có đủ các loại. Chỉ mong con cháu xong việc, khăn gói về quê là trọn vẹn tình thân.
Lúc ấy, tôi hiểu ra rằng Tết đâu cần phải mâm cơm đầy sản vật quý hiếm, rượu tây, nhà đẹp, xế sang, Tết là sau một năm bão dịch mà cả nhà đều mạnh khỏe, cùng quây quần bên nhau trong dịp Tết đến xuân về đã là hạnh phúc lắm rồi.
Bình luận (0)