Năm 2012, UBND tỉnh Quảng Bình đầu tư 14 triệu USD để thực hiện dự án cung cấp điện năng lượng mặt trời, với mục tiêu cung cấp điện cho hơn 1.300 hộ dân và hàng chục trụ sở công tại các xã vùng sâu, vùng xa. Đây được xem là dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó.
Mới sử dụng đã hư hỏng
Dự án này được tỉnh Quảng Bình triển khai qua vay vốn ODA của Hàn Quốc trị giá 12 triệu USD, vốn đối ứng (phía Việt Nam) 1,7 triệu USD. Năm 2012, UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban Quản lý dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời (QBSC). Dự án được tư vấn bởi liên danh do nhà thầu Dohwa đứng đầu, còn nhà thầu KT Corporation của Hàn Quốc trúng thầu xây lắp.
Khu vực triển khai dự án trải rộng trên địa bàn 8 xã của 4 huyện gồm Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình với mục tiêu cung cấp điện cho gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công được hưởng lợi.
Theo cam kết, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 3-2015 nhưng liên tục bị chậm tiến độ, đến năm 2019 mới chính thức được bàn giao đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi đưa vào vận hành, tại các địa phương hưởng lợi, nhiều hạng mục của dự án điện mặt trời đã hỏng hóc và không thể sử dụng. Có một số hạng mục "đắp chiếu" gần 5 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Tương ở bản Đoòng (người dân xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch) cho biết do địa hình của bản bị cô lập giữa núi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng nên không có điện lưới. Năm 2016, dự án đã lắp 1 trạm điện năng lượng mặt trời trong sân nhà gồm 2 tấm pin, 1 tủ ắc quy và một số thiết bị để thắp sáng. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, hệ thống điện mặt trời đã hư hỏng chỉ sau 2 tháng sử dụng.
"Nhà tôi chỉ dùng thắp sáng 3 bóng đèn, không xem được tivi, điện chập chờn, trời mưa thì không có điện, trời nắng dùng được 2 tháng thì hư luôn. Mấy năm nay, trạm điện nằm phơi nắng phơi mưa"- ông Tương nói.
Cụm pin mặt trời tại các bản làng xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch cũng không phát huy được hiệu quả. Toàn xã có 18 bản đều được lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, nhiều trạm pin năng lượng đã bị hỏng hóc, một số trạm phát điện chập chờn. Các tấm pin phủ bụi, rêu mốc, tủ đựng bình ắc quy bị cỏ dại phủ lấp.
Dự án điện mặt trời đầu tư gần 14 triệu USD có nguy cơ trở thành phế liệu
Theo ông Hồ Duy Vàng, Bí thư Chi bộ bản Ho Rum (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy), bản có 65 bộ chuyển đổi năng lượng mặt trời dùng cho 91 hộ dân. Lắp đặt được vài tháng thì không còn dùng được nữa. Bây giờ các trạm pin như đống phế liệu.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân xã Kim Thủy liên tục phản ánh dự án mất điện triền miên, yêu cầu sửa chữa cho người dân dùng, tránh để dự án xuống cấp, lãng phí nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Dự án sắp bị... khai tử ?
Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình thừa nhận hiện có nhiều trạm điện mặt trời của dự án cung cấp điện năng lượng mặt trời bị hư hỏng, không thể phát điện. Do có nhiều vướng mắc (kéo dài quá nhiều năm, qua nhiều đời lãnh đạo...), dự án này không thể quyết toán được dẫn đến tài sản đầu tư xuống cấp nhưng không thể sửa chữa.
Trước mắt, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình thuộc Sở Công Thương được UBND tỉnh giao khảo sát, lên phương án thay thế, sửa chữa; sau đó UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt mới có thể phân bổ thiết bị dự phòng về địa phương. Trong thời gian chờ quyết toán và chờ xây dựng phương án, các trạm điện năng lượng mặt trời hư hỏng đành phải bỏ hoang phế.
Đáng nói, trong khi dự án điện năng lượng mặt trời không phát huy tác dụng, năm 2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định đầu tư 110 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách để kéo điện lưới cung cấp cho 700 hộ dân thuộc 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch (huyện Bố Trạch) và tiến độ dự kiến hoàn thành vào quý IV/2023. Đây là 2 địa phương trước đó được hưởng lợi từ dự án cung cấp điện năng lượng mặt trời.
Ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, lý giải dự án điện lưới đầu tư 110 tỉ đồng kéo lên cho 2 xã biên giới Tân Trạch và Thượng Trạch là hoàn toàn độc lập, không liên quan đến dự án điện mặt trời nên không có phương án đấu nối hay tận dụng hạ tầng của dự án điện mặt trời.
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục đầu tư hơn 30 tỉ đồng để kéo dự án điện lưới thắp sáng vùng Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hoa, nơi cũng được hưởng lợi từ dự án điện mặt trời. Dự án do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư và đang tiến hành hoàn tất các thủ tục để lựa chọn nhà thầu.
Thanh tra vào cuộc
Liên quan đến vụ việc này, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập Đoàn thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật trong thực hiện dự án cung cấp điện mặt trời đến các bản làng vùng sâu vùng xa đang bị hư hỏng, xuống cấp... Kết quả thanh tra sẽ là căn cứ cho UBND tỉnh quyết toán kết thúc dự án.
Ông Lê Công Hữu, Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Bình, cho biết hiện đã xong việc đi kiểm tra thực địa, sắp tới sẽ kiểm tra sổ sách, làm việc với một số sở, ngành, địa phương liên quan.
Bình luận (0)