Đại diện cho những khách hàng ký vào đơn kêu cứu tập thể, ông Thái Doãn Tuấn cho biết năm 2018, nhiều người mua đất nền tại dự án khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng; phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, nay là TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) của Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An (gọi tắt là Công ty Dĩ An) với giá từ 16-33 triệu đồng/m2. Trước khi mua, khách hàng đều tìm hiểu kỹ tính pháp lý của dự án, trong đó có quyết định chấp thuận đầu tư của chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương và chủ tịch UBND thị trấn Dĩ An. Thế nhưng, hơn 1 năm nay, dự án lại tạm ngưng.
Đã thanh toán 60% giá trị đất
Còn theo ông Phan Trọng Sơn (một người ký đơn), do thấy tính pháp lý của dự án được bảo đảm, giá đất hợp lý nên rất nhiều người đã vay mượn người thân, cầm cố tài sản vay ngân hàng để nhận chuyển nhượng nền đất dự án. Khách hàng mua dự án này đều vay ngân hàng từ 30%-70% giá trị đất.
Người dân mua đất tại khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng) lo lắng khi dự án tạm ngưng
Tính từ đầu năm 2018 đến nay, Công ty Dĩ An đã bán ra tổng cộng 310 nền đất, người mua đã thanh toán khoảng 60% số tiền chuyển nhượng ngay khi ký hợp đồng, tổng số tiền mà Công ty Dĩ An thu về khoảng 300 tỉ đồng. Thế nhưng, ngày 28-5-2019, UBND tỉnh Bình Dương có Công văn số 2457/UBND-KTN về việc tạm dừng thực hiện dự án khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng). Tiếp đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nhất trí với UBND tỉnh Bình Dương dừng thực hiện dự án khu nhà ở thương mại đường sắt diện tích 47.882,8 m2 của Công ty Dĩ An để chờ các cơ quan chức năng rà soát các nội dung có liên quan đến việc đầu tư dự án.
"Dự án tạm dừng nhưng quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi lại chưa được xem xét đến. Trong khi đó, chúng tôi không thể khai thác, quản lý, sử dụng hay chuyển nhượng mà phải trả lãi vay ngân hàng hằng tháng" - một khách hàng bức xúc.
Chờ xin ý kiến Thủ tướng
Dự án khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng) thuộc khu đất rộng 117.332 m2 được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý cho Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) thuê đất trả tiền hằng năm (thời gian sử dụng 50 năm kể từ ngày 15-10-1993 và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền vào năm 2011) để làm trạm vật tư đường sắt Dĩ An.
Tuy nhiên, ngày 9-10-2012, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phê duyệt phương án cơ cấu chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án này. Theo đó sẽ xây dựng trạm vật tư đường sắt rộng 54.252 m2, còn lại 63.080 m2 sẽ đầu tư thương mại dịch vụ. Ngày 6-2-2013, Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về phương án quy hoạch cơ cấu sử dụng đất nói trên của Công ty CP Vật tư đường sắt Sài Gòn. Trên cơ sở kiến nghị của Bộ GTVT, ngày 4-12-2013, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận giao cho Công ty Dĩ An làm chủ đầu tư dự khu án nhà ở thương mại đường sắt với diện tích 63.080 m2.
Để thực hiện dự án, năm 2015, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đồng ý cho đơn vị này dịch chuyển 4 nhánh đường ray trên mặt tiền đường Lý Thường Kiệt vào phía trong nhằm biến khu đất này thành mặt tiền để thực hiện dự án khu nhà ở thương mại nói trên. Ngày 1-3-2018, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục ra Quyết định số 509/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Dĩ An điều chỉnh mục đích sử dụng đất khu nhà ở thương mại đường sắt (hiện hữu) tại phường Dĩ An, thị xã Dĩ An. Theo đó, đồng ý cho đơn vị này được sử dụng thêm khu đất có diện tích 47.882,8 m2 để thực hiện khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng). Sau khi có quyết định này của UBND tỉnh Bình Dương, Công ty Dĩ An đã thực hiện các thủ tục cần thiết và phân lô bán cho khách hàng. Tuy nhiên, khi đang thực hiện các hạng mục của dự án thì phải tạm ngưng do các cơ quan chức năng vào cuộc, phát hiện nhiều sai phạm.
Để giải quyết quyền lợi của người mua dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết tỉnh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép Công ty Dĩ An tiếp tục triển khai thực hiện dự án khu nhà ở thương mại đường sắt với diện tích 63.080 m2. Đồng thời, tạm dừng thực hiện dự án khu nhà ở thương mại đường sắt (mở rộng) với diện tích 47.882,8 m2. Nguyên nhân, theo UBND tỉnh Bình Dương, là do đơn vị này chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính và các thủ tục đất đai nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi nhận được văn bản trên của UBND tỉnh Bình Dương, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 3435/VPCP nêu rõ để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, Văn phòng Chính phủ đề nghị 5 cơ quan gồm các Bộ Tư pháp, Xây dựng, Tài chính, GTVT, Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về kiến nghị nêu trên.
Chúng tôi đã liên hệ ông Vũ Hoàng Hà, Giám đốc Công ty Dĩ An, để tìm hiểu thêm nhưng ông Hà cho biết vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ nên chờ đến khi có kết quả thì sẽ thông tin.
Bình luận (0)