Tàu hỏa chở đá tông xe tải chở đất khiến 5 toa tàu lật nghiêng, xảy ra ngày 7-3, tại ga Phố Tráng, xã Yên Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Chỉ hơn 2 tháng đầu năm, trên tuyến đường sắt Bắc - Nam đã xảy ra 86 vụ tai nạn, làm chết 37 người. Tàu hỏa là phương tiện được ưu tiên, có đường riêng, có lực lượng gác chắn... nhưng sao tai nạn đường sắt vẫn xảy ra dồn dập?
Bạn đọc Nguyễn Thanh Tùng phân tích: “Đọc một số vụ tai nạn đường sắt gần đây mà báo chí đăng tải, chúng ta cũng hình dung phần nào nguyên nhân, như: “Đứng trên đường ray cho tàu hỏa cán chết”, “Lên đường sắt đi vệ sinh, bị tàu hỏa cán chết”, “Bánh xe kẹt đường sắt, một người đàn ông bị tàu hỏa tông chết”, “Tàu hỏa va chạm với máy cày, một người bị thương”... Gần đây nhất là vụ một xe tải chạy cắt ngang đường ray bị tàu hỏa tông, lái tàu chết tại chỗ, 3 toa tàu trật bánh....”.
Không phủ nhận hệ thống đường sắt của ta hiện đã lạc hậu và qua quá trình hoạt động, các khu dân cư đã dần vây quanh các tuyến đường. Tuy nhiên, hầu hết các vụ tai nạn cho thấy lỗi vẫn do người tham gia giao thông đường bộ vi phạm hành lang an toàn đường sắt. “Thử hỏi một tuyến đường sắt độc đạo như hiện nay mà có gần 6.000 đường dân sinh cắt ngang thì làm sao mà quản lý hay đề phòng nổi tai nạn? Hằng ngày có bao nhiêu là người và phương tiện băng ngang đường sắt, nếu gặp lúc tàu đang chạy qua thì chẳng biết chuyện gì có thể xảy ra. Thậm chí , có nơi còn họp chợ trên cả đường sắt” - bạn đọc Thanh Lê lo ngại.
Môt xe tải bị tàu hỏa tông bay xuống ruộng vào ngày 9-11-2014, tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Có thể nói ý thức khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân quá kém. Ngay tại TP HCM, nơi giao nhau giữa đường sắt và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, không ít lần khi nhân viên gác đường đã kéo barie chắn ngang để tàu hỏa đi qua mà vẫn có người cố lách vào, băng ngang đường sắt. Một số nơi khác, buổi tối thanh niên thoải mái ngồi trò chuyện ngay trên đường ray. “Liều mạng như thế mà không gặp nạn mới lạ” - nhiều bạn đọc nhìn nhận.
Ở các nước tiên tiến, tàu hỏa dần được thay bằng tàu điện cao tốc. Những đoạn qua các thành phố, đường sắt thường được làm ngầm dưới lòng đất. Những đoạn qua nông thôn được làm trên cao để tránh đường cắt và các phương tiện giao thông khác. Cách làm này tránh được tai nạn và nâng cao năng lực vận chuyển của đường sắt. Tại Việt Nam, có lẽ ngay từ bây giờ, cơ quan chức năng cần phải bắt tay cải tiến hệ thống đường sắt, không thể cứ để phương tiện giao thông rất quan trọng này ì ạch mãi.
Bình luận (0)