Chóng mặt với nhiều khoản thu
Năm 2006, bắt đầu đào tạo tín chỉ, trường đã phụ thu thêm học phí tín chỉ học thực hành, đồ án của sinh viên (SV) với hệ số 1,2. Cũng từ năm 2006, trong các cuốn niên giám của trường ghi rõ quy định khi SV rút lui lớp học phần từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 6, phải nộp lệ phí 50% học phí của tín chỉ đã đăng ký. Khoản thu này được nhà trường gọi là lệ phí rút lui học phần. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một phần từ khoản thu này được Phòng Đào tạo học sinh (HS) - SV rút và lập bảng chi cho ban giám hiệu nhà trường.
Ngoài ra, mỗi SV tới kỳ tốt nghiệp phải làm phiếu đăng ký xét tốt nghiệp và nộp lệ phí 50.000 đồng, muốn in bảng điểm có chứng nhận của trường là 5.000 đồng/bảng điểm, muốn xin giấy chứng nhận để miễn, giảm học phí phải nộp 2.000 đồng... Tất cả những khoản thu này không in biên lai.
Ông Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, xác nhận nhà trường có thu các khoản như trình bày ở trên và hiện các khoản thu này đang tạm dừng từ năm 2017. Việc dừng các khoản thu trên là do quy trình thu chưa chặt chẽ, chưa có quy định rõ ràng nên tạm dừng để rà soát lại.
Nhiều khoản thu không đúng
Theo lý giải của ông Thọ cùng các thành viên trong ban giám hiệu, khoản phụ thu học phí học phần thực hành (nâng hệ số tín chỉ lên 1,2) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng thực hành cho SV. Thay vì 30 SV/nhóm thực hành thì trường chia nhỏ số SV mỗi nhóm để đào tạo thực hành hiệu quả hơn. Theo đó, số giờ dạy của giảng viên nhiều hơn nên trường tăng hệ số tín chỉ. "Việc này không có cơ sở quy chế, quy định nào trong nghị định của Chính phủ nhưng trường đã họp bàn thống nhất" - ông Thọ cho hay.
Về khoản thu rút lui học phần, đại diện nhà trường cho rằng khoản này nhằm giảm tình trạng SV đã đăng ký tín chỉ nhưng đi học vài tuần lại rút lui. Một phần số tiền trên, bộ phận tham mưu trích chi bồi dưỡng cho các đơn vị làm công tác quản lý, phần còn lại đưa vào ngân sách nhà trường.
Đối với lệ phí xét tốt nghiệp 50.000 đồng/phiếu đăng ký, số tiền này hơn phân nửa dùng để mua phôi bằng; còn lại là chi phí áo mặc trong lễ tốt nghiệp, chụp ảnh thẻ… Thế nhưng, ngoài 50.000 đồng lệ phí xét tốt nghiệp, trên website của trường cũng thông báo mỗi SV phải đóng 80.000 đồng khi tham gia lễ nhận bằng để trả chi phí thuê lễ phục và chụp ảnh…
Trả lời câu hỏi từ khi tạm dừng thu tất cả các khoản trên, nhà trường có phải bù lỗ chi phí hay không, ông Thọ cho hay: "Không phải lỗ hay bù thêm tiền gì cả vì các khoản thu ấy không đáng bao nhiêu".
PGS-TS Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết tất cả vấn đề nêu trên đã được ĐH Đà Nẵng kiểm tra. Khoản thu lớn nhất là phụ thu học phí học phần thực hành, được trường thu nhiều năm liền nhưng ĐH Đà Nẵng không biết. Đến đầu năm 2017, khi có phản ánh, ĐH Đà Nẵng đã lập đoàn kiểm tra, thấy khoản thu này không được phép nên đã chỉ đạo ngưng. Về các khoản lệ phí xét tốt nghiệp, in bảng điểm… cũng không đúng so với quy định. Vì thế ĐH Đà Nẵng đã tiến hành rà soát và kiểm điểm bằng hình thức rút kinh nghiệm với 3 cá nhân liên quan. Đối với khoản giữ 50% học phí rút lui học phần, ông Dưỡng cho biết việc này đúng quy định nhưng "Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật sai ở chỗ không bổ sung khoản đấy vào quỹ học phí và dùng chi riêng".
Cấp học bổng không đúng đối tượng
Ban Thường vụ Đảng ủy ĐH Đà Nẵng cũng đã phát hiện có 22 trường hợp cấp học bổng hỗ trợ SV nghèo không đúng đối tượng nên đã đề nghị xử lý kỷ luật cá nhân, đơn vị liên quan. Theo PGS-TS Ngô Văn Dưỡng, để xảy ra việc này, ông Võ Quang Trường, Trưởng Phòng Công tác HS-SV, bị xử lý kỷ luật.
Bình luận (0)