Thời gian qua, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam - đặc biệt khách châu Âu và Mỹ - giảm mạnh khiến nhiều công ty du lịch lo lắng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến du lịch ế ẩm chứ không thể đổ trách nhiệm hết cho ngành du lịch.
Giáo dục thiếu trọng tâm nhân bản
Hệ thống giáo dục Âu - Mỹ không tách rời các môn học đạo đức hoặc công dân như ở Việt Nam. Họ hướng nhiều đến tính nhân bản, thậm chí xen kẽ ngay trong từng môn học. Trong suốt quá trình học tập, học sinh được làm quen, sống gần gũi, luôn được dạy rằng cây trồng, vật nuôi đều mong muốn được kéo dài sự sống và cũng cảm nhận được những đau đớn như con người. Điều này không chỉ giúp những đứa trẻ biết quý trọng mà còn có ý thức tiết kiệm tài nguyên (bao gồm lương thực, thực phẩm ăn uống hằng ngày).
Trong khi đó, chúng ta không có động thái để chấm dứt các hiện tượng hoặc hành động khó coi, thậm chí là tàn nhẫn trong đối xử với các loài động - thực vật. Hằng ngày, du khách dễ dàng chứng kiến những xe chở gà, lợn, chó... bị dồn nén trong những lồng nhốt chật chội hoặc những con lợn bị mổ phanh thây được chở vắt vẻo trên xe máy. Rồi những lễ hội chém lợn, đâm trâu... diễn ra trước mặt trẻ em, người lớn.
Dọc các tuyến đường vùng nông thôn, miền núi, khách du lịch dễ dàng bắt gặp cảnh bày bán động vật săn bắt được: Những con chim bị đánh bẫy, vặt trụi lông; thú rừng bị xẻ thịt treo đầu lủng lẳng... Với khách nước ngoài, họ sẽ nghĩ gì về người Việt Nam, có còn hứng thú đến nhiều lần sau khi phải chứng kiến những cảnh mà họ cho rằng man rợ, khó chấp nhận trong thế giới văn minh?
Đừng “trăm dâu đổ đầu... ngành du lịch”!
Mạng internet hiện nay kết nối nhanh, mạnh và có tác động sâu rộng. Một du khách bị tổn thương, vì bất cứ lý do gì, thông tin sẽ được phát tán nhanh chóng trên mạng. Khác với người Việt Nam hầu hết đi du lịch theo tour có người hướng dẫn, người nước ngoài khi quyết định đến điểm du lịch nào đó thường tìm hiểu rất kỹ về văn hóa, ẩm thực, các địa điểm du lịch cũng như những vấn đề mà họ có thể gặp phải (chất lượng nước uống, thức ăn, giá thuê phương tiện, an ninh...). Một khi trên mạng xuất hiện những phàn nàn của du khách về từ Việt Nam thì sẽ ảnh hướng rất lớn đến quyết định của những người lập kế hoạch đến du lịch ở Việt Nam, thậm chí ngay từ lần đầu tiên.
Một điều khá nhạy cảm khác là vấn đề an ninh. Cán bộ nghiên cứu nước ngoài vào Việt Nam công tác thường đã được Cục Lãnh sự sàng lọc và cấp visa công vụ, có quan hệ đối tác với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, ngoài việc yêu cầu hoàn tất thủ tục thông báo xin phép theo quy định còn yêu cầu nhiều biện pháp an ninh nghiêm ngặt khác nên đã làm “mất điểm” trong mắt người nước ngoài. Kiểm soát an ninh là điều cần thiết nhưng có nhiều cách để giám sát hoạt động của người nước ngoài ở các điểm nghiên cứu, không nhất thiết phải mất thời gian và phí công sức như thế!
Có thể nói du lịch của chúng ta thua nhiều nước không chỉ ở các dịch vụ du lịch bao gồm các thủ tục hành chính (đặc biệt liên quan đến việc xin cấp visa) mà còn về khả năng mang lại cảm giác hài lòng, vui vẻ cho du khách, như: thiếu hệ thống dịch vụ vệ sinh công cộng, sự đeo bám của cánh hàng rong hoặc các hành vi lừa gạt du khách của một số dịch vụ taxi, khách sạn, nhà hàng... Vì vậy, những cải tổ nhằm phát triển du lịch của Việt Nam sẽ không chỉ cần đến những thay đổi trong phạm vi ngành du lịch mà cần những thay đổi ở các ngành liên quan khác...
Xấu hổ với bạn bè ngoại quốc
Có lần, tôi đi cùng 2 người bạn Hà Lan nhìn thấy một người đàn ông đưa thòng lọng vào cổ con chó và dùng chày đập chết nó. Hai người bạn Hà Lan sốc và căm phẫn đến tím mặt. Còn tôi vừa ái ngại vừa xấu hổ đến nỗi không nói được lời nào.
Bình luận (0)