Trước những chuyến đi xa, chị Ðồng Thị Mai (ngụ TP HCM) luôn tìm hiểu kỹ về phương tiện đi lại, khách sạn, giá sử dụng dịch vụ ở những nơi mình sắp đến. Kinh nghiệm của chị là cái gì không biết thì… tra "Gu-gồ".
Dạo trước với "Google"
Nhờ vậy chị Mai chưa từng bị "chặt chém" trong những chuyến du lịch. "Mình bỏ ít thời gian vào các diễn đàn du lịch tìm hiểu, lên danh sách nên nghỉ ở đâu, ăn uống chỗ nào và xem những bình luận, đánh giá về địa điểm mình dự tính sẽ đến. Kinh nghiệm là càng đặt phòng sớm càng tốt. Mình vừa chọn được phòng đẹp, lại tránh vào mùa cao điểm sẽ xảy ra tình trạng cháy phòng, đó là cơ hội để chủ khách sạn hét giá" - chị Mai đúc kết.
Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu Du lịch Vinh Sang (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), cho biết tại bến phà An Bình (Vĩnh Long) có một số người chạy đò tự do, đưa rước khách vào các điểm du lịch như vườn sinh thái hoặc làng nghề. Nhưng khi vào đây du khách bị "chặt chém" nếu không tìm hiểu trước, vì chủ đò được chủ khu du lịch chia hoa hồng từ 30%-50%. "Nếu muốn không bị "chặt chém", du khách cần lên mạng tìm hiểu kỹ từ địa điểm đến như ăn uống, khách sạn, các điểm vui chơi. Bây giờ trên Facebook hay các website của những khu du lịch đều có số điện thoại liên hệ" - ông Giang tư vấn.
Dịp hè là thời điểm Phú Quốc thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: CÔNG TUẤN
Cần có số… công an
Chuyện "chặt chém" diễn ra không chỉ ở các khách sạn, quán ăn mà còn xảy ra ở các… chùa, miếu. Anh Ð.H.T (29 tuổi; ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) kể: "Cách đây không lâu, tôi có đi miếu Bà Chúa Xứ ở núi Sam (TP Châu Ðốc, tỉnh An Giang). Khi đến đây, tôi được một phụ nữ kêu mua gạo, muối để cúng. Tôi mua 6 kg gạo và 4 kg muối nhưng bị "chém" tổng cộng 390.000 đồng, trong khi nếu mua ở chợ thì không tới 100.000 đồng". Khi anh thắc mắc chuyện giá cao, người bán bảo anh ghi tên bao nhiêu người trong gia đình để cúng vái thì nhân lên chừng đó tiền. Sau khi bị "móc túi" trắng trợn, anh T. cho rằng nếu không có người quen tư vấn thì cần hỏi giá trước khi mua. Nếu mua rồi vẫn bị "chặt chém" kiểu giang hồ thì nên dọa gọi điện… báo công an. "Riêng về khoản ăn uống, cần tìm quán đông người vì nơi đó bảo đảm sẽ ngon và chủ quán không dám nâng giá" - anh T. nói.
Ðể tránh như anh T., theo chị Phạm Ngọc Anh, tốt nhất là nói không với các loại "cò". "Ðiều quan trọng nhất là không ngại hỏi giá trước khi sử dụng dịch vụ, nếu không hỏi giá thì sau khi ăn uống, người ta hét giá trên trời mình cũng không có cớ để nói lại. Nếu mua hàng hóa cũng đừng ngại mặc cả lịch sự" - chị Anh khuyên. Chị còn cẩn thận, luôn "thủ" sẵn trong túi những số điện thoại dùng trong trường hợp khẩn cấp như: điện thoại đường dây nóng, số điện thoại lãnh đạo hay số của… công an. "Thực tế có lần bị "chặt chém", mình gọi cho đường dây nóng phản ánh và đã được hỗ trợ. Nhà hàng cũng sợ nên vội trả lại tiền".
Lần đầu đến với đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang), chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (ngụ Quảng Trị) cũng e ngại chuyện "chặt chém" bởi đoàn chị đi đến 20 người. May nhờ có người quen là "thổ địa" tư vấn dẫn đi mua sắm, tham quan, ăn uống nên chị cảm thấy an tâm. Không chỉ được tư vấn các thứ, anh Lê Văn Tuấn (ngụ Thanh Hóa) còn được người em trai ra chợ mua hải sản tươi sống về nấu mà theo người này là "rẻ và bảo đảm chất lượng hơn".
Ông Trần Văn Thọ, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Quốc, khẳng định ngay từ đầu năm, huyện đã yêu cầu các cơ sở lưu trú và các nhà hàng, khách sạn đăng ký giá dịch vụ, cam kết không được nâng giá trong thời gian cao điểm du lịch, nhất là vào dịp hè. "Khách du lịch nên hỏi giá thức ăn trước khi chọn để tránh tình trạng ăn xong mới biết giá đắt" - ông Thọ khuyến cáo.
Phú Quốc áp dụng mô hình thành phố thông minh
Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết năm nay huyện áp dụng mô hình thành phố thông minh, tiếp nhận các thông tin cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách du lịch. Người dân có thể phản ánh tình trạng "chặt chém" qua mô hình này.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-6
Bình luận (0)