TS-LS Nguyễn Thị Thúy Hường, Đoàn Luật sư TP HCM:
Tố cáo qua điện thoại không phải là gián tiếp
Tố cáo là hình thức báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của một cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Đồng thời, thể hiện tính dân chủ và sự giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức đang thực thi công vụ; kênh thông tin quan trọng để các cơ quan công quyền lắng nghe, tự sửa mình và làm trong sạch hàng ngũ, tạo niềm tin cho người dân.
Trước đây, hình thức tố cáo bằng điện thoại đã được Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định tại khoản 1 điều 65: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, thư điện tử và các hình thức tố cáo khác qua các kênh". Do đó, đây không phải là vấn đề mới. Điểm mới trong quy định bổ sung vào dự luật Tố cáo sửa đổi lần này là quy định rõ mỗi cơ quan có một số điện thoại để tiếp nhận tố cáo. Việc tiếp nhận thông tin tố cáo qua điện thoại được tiến hành theo các bước thủ tục giống như tố cáo trực tiếp.
Như vậy, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật qua điện thoại là việc làm trực tiếp chứ không phải gián tiếp. Điều này bảo đảm được tính cấp thiết, kịp thời trong công tác phòng chống tội phạm. Hiện thông tin cá nhân chủ thuê bao điện thoại đã được đăng ký kê khai. Hơn nữa, khi tiếp nhận tố cáo qua điện thoại, cán bộ tiếp dân có thể phân loại tố cáo có tên tuổi và tố cáo ẩn danh để đưa vào thụ lý. Cho nên, đây không phải là vấn đề khó khăn để chúng ta từ chối việc tố cáo qua điện thoại.
Luật Khiếu nại Tố cáo 2011 quy định các hình thức tố cáo phải bằng văn bản, có tên tuổi và chữ ký của người tố cáo đã làm người tố cáo lo ngại bị trả thù, bị gây khó khăn nên ít dám đứng ra tố cáo, đấu tranh chống lại cái xấu. Trong bối cảnh Đảng và nhà nước đang nỗ lực chống tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, việc quy định tố cáo qua điện thoại là một hình thức phù hợp với pháp luật, cần thiết và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Vấn đề đặt ra là phải có các quy định cụ thể trong việc bảo mật thông tin người tố cáo và biện pháp cụ thể bảo vệ người tố cáo. Có như vậy, người dân mới dám đứng ra thực hiện quyền hiến định của mình, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm.
Từ tố cáo của ông Trương Văn Long (Đội phó Đội Vệ sinh môi trường) và một số đồng nghiệp, nhiều sai phạm của Công ty Công trình Đô thị Mỹ Tho (Tiền Giang) bị phát hiện. Ảnh: Minh Sơn
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM:
Quan trọng là giải quyết được chuyện người dân tố cáo
Tôi ủng hộ việc mở rộng hình thức tố cáo bởi đó chỉ là phương thức chứ về mặt bản chất, vấn đề không thay đổi. Vấn đề tôi quan tâm là làm sao giải quyết được chuyện người dân tố cáo và người tố cáo phải chịu trách nhiệm vấn đề mình nêu.
Nếu người tố cáo mà xác định được danh tính thì cơ quan chức năng nên rốt ráo vào cuộc. Còn nếu sau khi xác minh là giả mạo, nặc danh thì xử lý theo quy trình giải quyết đơn thư tố cáo hoặc có biện pháp xác minh, điều tra. Đã gọi là khiếu nại, tố cáo thì phải biết danh tính để các cơ quan chức năng có chế độ bảo vệ nhân chứng. Còn trách nhiệm bảo vệ người tố cáo là của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu làm đúng, khiếu nại, tố cáo đúng thì không việc gì phải sợ. Chưa làm mà sợ thì làm sao cơ quan nhà nước bóc trần tiêu cực, nhũng nhiễu của quan chức được?
Ông Đinh Văn Huệ, cán bộ hưu trí quận 10, TP HCM:
Hướng đi đúng
Việc mở rộng tố cáo qua điện thoại, email, fax là hướng đi đúng, góp phần vào công cuộc chống tham nhũng của Đảng và nhà nước, nhất là trong thời đại internet phát triển.
Với lo ngại mở rộng hình thức tố cáo sẽ bị lợi dụng, tôi cho rằng việc vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự, ai vi phạm sẽ bị chế tài nghiêm khắc nên không cần phải quá băn khoăn vì điều này mà bỏ qua những phương thức tố cáo hiện đại.
Không thể nói vì sợ mà ẩn danh
Theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP HCM Trương Lâm Danh, báo tin tội phạm thì có thể bằng điện thoại nhưng chấp nhận việc tố cáo qua phương tiện này thì cần phải cân nhắc, thận trọng vì có thể giả giọng được, có thể cố tình lấy điện thoại người khác để làm hại ai đó. Về lo ngại bị trả thù khi tố cáo thì luật đã quy định rất rõ việc bảo mật thông tin tố cáo và người tố cáo. Người tố cáo được quyền biết cơ quan nào tiếp nhận tố cáo. Khi thông tin bị rò rỉ ra ngoài thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Không thể nói vì sợ nên phải tố cáo ẩn danh, giấu thông tin.
Với hình thức tố cáo qua thư điện tử, ông Danh hoàn toàn ủng hộ vì đã có chữ ký số.
P.Anh
Bình luận (0)