xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tố cáo qua điện thoại: Sợ gì vu khống!

VĂN DUẨN

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc mở rộng hình thức tố cáo, cho phép tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại.

Tiếp tục kỳ hợp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng 24-5, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Đã có 24 đại biểu (ĐB) phát biểu tranh luận sôi nổi về các hình thức tố cáo, tố cáo qua điện thoại.

Lo bị lợi dụng

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho biết qua thảo luận, kết quả lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH tại kỳ họp trước, có 2 loại ý kiến về hình thức tố cáo. Thứ nhất là, ý kiến đề nghị bổ sung hình thức tố cáo qua bản fax, thư điện tử, điện thoại; thứ hai là, ý kiến đề nghị chỉ quy định 2 hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo. Dự thảo luật đang được thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất.

Tố cáo qua điện thoại: Sợ gì vu khống! - Ảnh 1.

ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông): Cho phép tố cáo qua điện thoại dễ bị lợi dụng

Góp ý về hình thức tố cáo quy định tại điều 22 của dự thảo luật, ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), đề nghị tiếp tục chỉ quy định 2 hình thức tố cáo như luật hiện hành, đó là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Bởi lẽ, nếu quy định thêm các hình thức tố cáo như tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử thì có thể dẫn tới tình trạng tố cáo tràn lan gây khó khăn, quá tải cho cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết.

Tố cáo qua điện thoại: Sợ gì vu khống! - Ảnh 2.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An): Cần thiết đưa vào luật Ảnh: NGUYỄN NAM

ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) đồng tình cho rằng trong thời đại khoa học, công nghệ phát triển như hiện nay thì việc sử dụng mạng xã hội email, bản fax để tố cáo, phản ánh, cung cấp thông tin những hành vi vi phạm pháp luật rất thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, nếu mở rộng hình thức tố cáo có thể tạo ra kẽ hở để một số người lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác.

Dẫn số liệu báo cáo của Chính phủ có tới 59,35% đơn tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng ngay cả đơn thư tố cáo sai hay tố cáo chỉ đúng một phần, chiếm tỉ lệ rất lớn nên nếu tiếp tục mở rộng các hình thức tố cáo thì sẽ gây khó khăn trong việc xác minh xử lý. Bên cạnh đó, cũng không thể ngăn ngừa được các tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo này để vu khống, bôi xấu".

Đã luật hóa, không thể bỏ

Dù vậy, đa số ĐB có quan điểm ngược lại, cho rằng việc mở rộng hình thức tố cáo là cần thiết. ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) không đồng tình với các ý kiến đề nghị loại bỏ hình thức tố cáo qua điện thoại đã đề xuất trong dự án luật.

Theo vị ĐB là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 quy định cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật. 13 năm qua, QH đã chấp nhận vấn đề này nhưng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Do đó phải tiếp tục làm chứ không thể bỏ đi. "Chúng ta bảo là tố cáo qua điện thoại khó quá không làm, nếu thế thì còn nói gì nữa. Đừng vì những việc khó khăn của cơ quan nhà nước, ta chọn việc dễ ta làm, còn việc khó, chúng ta thôi thì tôi thấy không ổn" - ông Cầu bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm của ĐB Cầu, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói: "Tôi thấy tranh luận về vấn đề tố cáo qua điện thoại thì rất đơn giản. Chúng ta đang sống trong thời đại sử dụng 4.0 mà chúng ta không sử dụng điện thoại thông minh thì có nghĩa chúng ta đã quay về thời kỳ 0.4 rồi".

Về nội dung còn nhiều tranh luận này, theo kết quả tổng hợp phiếu xin ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIV được công bố tại phiên thảo luận này, có 216 ĐB tán thành quy định theo hướng mở rộng hình thức tố cáo (đạt 62,2% ĐB có gửi lại ý kiến và đạt 44% tổng số ĐBQH); 120 ĐB tán thành quy định như luật hiện hành (đạt 34,6% ĐB có gửi lại ý kiến và đạt 24,5% tổng số ĐBQH).

Chặn những vụ việc tương tự Grab mua Uber

Chiều cùng ngày, QH tiếp tục cho thảo luận về những điểm còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). ĐB Phạm Quang Thanh (Hà Nội) nêu thực tế thời gian qua, có nhiều thương vụ tập trung kinh tế và thỏa thuận cạnh tranh giữa các doanh nghiệp diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng lại ảnh hưởng lớn đến cạnh tranh trên thị trường trong nước. Gần đây nhất là thương vụ Grab mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber ở khu vực Đông Nam Á, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường cạnh tranh, quyền lợi người tiêu dùng cũng như quyền lợi của các tài xế tại Việt Nam. Các quốc gia Đông Nam Á khác đang điều tra thương vụ này. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương cũng đã lên tiếng và tiến hành điều tra. Do vậy, theo ông Thanh, nếu không có cơ sở pháp lý để xử lý thì những hành vi tương tự trong tương lai sẽ lại xảy ra.

Phát biểu tiếp thu, giải trình thêm ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ việc mở rộng phạm vi điều chỉnh không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà mở rộng ra ngoài lãnh thổ với các hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế có thể gây tác động đến cạnh tranh của thị trường Việt Nam, cho phép chúng ta bảo đảm được môi trường cạnh tranh hiệu quả hơn cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, điều này cũng giúp tạo hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh, dù xảy ra từ đâu.

TH.DƯƠNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo