Được xem là hướng đi mới khi game show thoái trào, YouTube là môi trường sáng tạo thích hợp để nghệ sĩ tìm thêm thị phần bên cạnh việc tạo tiếng tăm nếu lượt truy cập cao. Rất nhiều nghệ sĩ mở kênh YouTube cho riêng mình. Thế nhưng, đây cũng là cơ hội đầy thử thách khi dấu ấn cá nhân ít hiệu quả, chất lượng nghệ thuật càng hiếm hơn trước nguy cơ sa đà vào nội dung xàm, gây phản cảm.
Không khéo nhàm, phản cảm
Hiện tại, hoạt động này được chia thành 4 nhóm chính: Nhóm chỉ dùng đăng tải sản phẩm, gắn liền với chuyên môn của nghệ sĩ, như kênh của Việt Hương, Lê Giang, Nam Thư, Kim Tử Long…; nhóm xoay quanh cuộc sống đời thường như Quyền Linh, Huy Khánh, Lan Phương, Minh Dự...; nhóm kết hợp giữa hai nội dung trên, có sự chăm chút như NSND Hồng Vân, MC Trấn Thành, Long Đẹp Trai, Thu Trang, Trịnh Kim Chi, "Ngũ long du ký"… và nhóm bất chợt "thấy gì quay đó" như Kim Tiểu Long, Thúy Nga, Quốc Thuận, Cát Phượng, Phạm Hương, Sĩ Thanh…
Thường thì những nội dung về cuộc sống nghệ sĩ luôn có sức hút bởi khán giả tò mò muốn biết. Ví dụ MC Trấn Thành, khi anh đưa clip quay mình đi du lịch ở Đài Loan lên YouTube là có gần 6 triệu lượt xem. Tuy nhiên, đua nhau làm YouTube dễ dẫn đến việc "ngắn ý tưởng", vì thế nội dung, hình thức dễ rơi vào lối mòn, nhàm chán, phản cảm. Chính vì kém sạch mà YouTube của họ tự rước "gạch" vào nhà.
Vợ chồng Trấn Thành - Hari Won từng vui quá đà mà mất điểm khi quay clip Trấn Thành cùng đại gia đình đi ăn, đến đoạn Trấn Thành nói đùa quà của vợ tặng mẹ anh nhìn to vì để trong cái bịch bự chảng nhưng chắc rẻ tiền, Hari Won quay sang tát chồng và nói: "Rẻ cái bà nội à. Tôi mua tại Hàn Quốc..." ngay trước mặt ba mẹ chồng khiến khán giả không chấp nhận hành động kém văn hóa đó. Hoặc diễn viên Sĩ Thanh với clip "đập hộp" hàng hiệu, đã "khoe" những chiếc túi quà như: Gucci, Chanel, LV… thế nhưng người xem phát hiện tất cả chỉ là hàng nhái. Dù sau đó, cô cố gắng thanh minh nhưng liên tục bị chỉ trích vì cổ xúy dùng hàng nhái.
Một trường hợp vi phạm đến pháp luật, khiến Ủy ban Dân tộc gửi công văn tới Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu xử lý. Đó là các tiểu phẩm hài trên YouTube của "A Hy TV" có nội dung và hình ảnh bôi nhọ đồng bào dân tộc thiểu số, gây bức xúc trong cộng đồng. Kênh YouTube "A Hy TV" có khoảng 723.000 lượt người đăng ký theo dõi. Không biết vô tình hay cố ý, chủ kênh lấy từ "hy" để đặt tên thương hiệu, mà từ "hy" trong tiếng Tày - Nùng có nghĩa là bộ phận sinh dục nữ. Diễn viên này diễn vai người dân tộc thiểu số ngu ngơ, ngờ nghệch, thiếu hiểu biết. Ngôn từ, hình ảnh trong clip mang tính giễu cợt, gợi dục; có nhiều cảnh nhân vật nam ôm eo, sờ mó, lợi dụng phụ nữ…
Gần đây, không chỉ có "A Hy TV" diễn vai người dân tộc thiểu số để gây cười, nhiều diễn viên hài đã đem lên YouTube hình ảnh người dân tộc thiểu số bị bôi nhọ. Đó là các clip: "Anh dân tộc nát rượu", "Anh tộc ngố", "Cười lộn ruột khi dân tộc đi uống bia", "A Lử đi bắt vợ"... Trong clip "Mảnh ghép vùng cao" do diễn viên hài Đỗ Duy Nam đạo diễn, có nội dung cặp đôi người dân tộc thiểu số trước khi cảm hóa được nhóm thanh niên người Kinh, đã bị nhóm này miệt thị là đói nghèo, lếch thếch, kém văn minh... Hoặc trong clip "A Lử đi bắt vợ" của diễn viên Trung Ruồi, khán giả không thể cười khi anh diễn vai người dân tộc thiểu số sang Hàn Quốc bắt một cô gái ngoài đường về làm vợ?
Nhóm “Ngũ long du ký” trong ngày ra mắt kênh YouTube. Ảnh: LÂM KÝ
YouTube là mối lo cho sân khấu?
Từ sau vụ "A Hy TV" bị thổi còi, chàng diễn viên này đã quay clip xin lỗi đồng bào dân tộc thiểu số, 9 clip có nội dung sai trái đã được gỡ bỏ nhưng đường link được các kênh khác lưu lại phát tán khắp nơi, chưa được xử lý triệt để. Trường hợp này rất cần sự vào cuộc của các đơn vị chức năng. Danh hài Tấn Beo cho rằng chính sự thiếu hiểu biết dẫn đến nội dung định kiến với người dân tộc thiểu số, sự phản cảm đó chính là biểu hiện kém sạch của YouTube hiện nay mà nghệ sĩ phải nhìn vào đó để tránh.
Diễn viên hài Minh Dự sở hữu kênh YouTube có 225.000 người theo dõi cho biết sở dĩ anh chỉ đăng tải những clip về sinh hoạt đời thường, hậu trường, sân khấu, du lịch mà không có bất kỳ sản phẩm nghệ thuật nào bởi làm tác phẩm phải có nội dung kịch bản chặt chẽ; còn diễn hài nhảm sẽ ảnh hưởng uy tín cá nhân và đơn vị là Nhà hát Thế Giới Trẻ nơi anh cộng tác lâu dài. Minh Dự cho rằng đừng ùn ùn chạy theo "muôn kiểu kiếm tiền trên YouTube" mà bỏ rơi sàn diễn, mối lo hiện hữu là sân khấu sẽ vắng khách vì những sản phẩm sân khấu kém chất lượng trên YouTube vô tình khiến khán giả không còn hứng thú đến sàn diễn xem kịch.
Thực tế là kịch bản hài trên YouTube phần nhiều chưa hợp lý, lời thoại chưa trau chuốt, diễn xuất của diễn viên chưa ổn, không có gương mặt mới đủ lực tạo chú ý trên cộng đồng mạng... Chính vì ăn xổi, chạy theo xu hướng khai thác bằng mọi giá đã dẫn đến thất bại cho nhiều nghệ sĩ làm kênh YouTube.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng thị trường YouTube như một nhà hàng tự chọn, có rất nhiều thứ được bày biện. Mỗi khán giả có khẩu vị riêng nhưng "bị" ăn quá nhiều một thứ vì quầy nào cũng từng ấy món, dẫn đến bội thực, chưa kể bị rối loạn "tiêu hóa", đó là thực trạng của YouTube mà nghệ sĩ đang làm. Theo ông, nếu nghệ sĩ mê nền tảng này mà bỏ sàn diễn thì quả là đáng báo động cho sân khấu hôm nay.
Duyên và có định hướng
Kênh YouTube được đánh giá sạch, duyên hiện thuộc về nhóm "Ngũ long du ký" do các nghệ sĩ: Phi Phụng, Phương Dung, Thụy Mười thực hiện. Các sản phẩm trên kênh này ngày càng thu hút lượt truy cập cao nhờ việc tổ chức sản xuất có định hướng. Đó là các chuyến đi thiện nguyện, mang những món quà giúp đồng bào nghèo, nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó còn tổ chức các chuyến đi giới thiệu văn hóa, ẩm thực vùng miền.
"Sự chỉn chu của mỗi clip được chúng tôi tạo nên bằng công sức, tiền bạc và cả thời gian. Từ YouTube này, chúng tôi mời khán giả hãy đến với sân khấu kịch nơi chúng tôi có nhiều vai diễn hay, làm gì cũng không rời bỏ sân khấu" - nghệ sĩ Phi Phụng bày tỏ.
Bình luận (0)