Tình trạng gần đây nhiều nơi trong cả nước đua nhau xây dựng tượng đài với kinh phí nhiều tỉ đồng, khiến dư luận rất bức xúc. Công trình tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh, tại huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định đã "ngốn" hết 48 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm đến 70%, phần còn lại là từ nguồn xã hội hóa.
Cách đây chưa lâu huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam - một trong những huyện nghèo nhất cả nước nhưng đã chi đến 14 tỉ đồng (hoàn toàn từ ngân sách địa phương) để xây dựng tượng đài Chiến thắng Khâm Đức.
Huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cũng có chủ trương xây tượng tượng đài Bà Triệu với kinh phí 20 tỉ đồng, từ ngân sách huyện và nguồn huy động khác. Thời gian dự kiến thực hiện là trong giai đoạn 2020 - 2023.
Công trình tượng đài ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định vừa hoàn thành tiêu tốn đến 48 tỉ đồng
Những địa phương vừa nêu trên đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, việc lấy khoản kinh phí không nhỏ từ ngân sách để thực hiện những công trình tượng đài liệu có hợp lý?
Rõ ràng nếu khoản kinh phí này được đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, nhà tình thương, nhà tình nghĩa (cho những người nghèo, người có công); làm cầu, đường giao thông… sẽ có ích hơn. Những cái gọi là cơ sở vật chất hạ tầng này hiện ở nhiều tỉnh, thành nhất là vùng thôn quê đang rất thiếu và người dân đang rất cần.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã có ý kiến báo động về hội chứng bệnh thành tích. Nhiều tỉnh nghèo, miền núi xa xôi, cuộc sống người dân còn khó khăn nhưng vẫn đua nhau thực hiện những công trình tượng đài to, hoành tráng với kinh phí từ ngân sách lên đến nhiều tỉ đồng.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao tình trạng lãng phí như thế này vẫn tiếp tục xảy ra, giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân có thể bằng nhiều cách khác, chứ không phải bắt buộc phải xây tượng đài với chi phí "khủng".
Bình luận (0)