Mới đây, cộng đồng mạng lên án một kênh YouTube dành cho trẻ em nhưng sản xuất 75 clip vô bổ, phản cảm, nhảm nhí. Đáng chú ý, trong số clip của kênh này, thấp nhất cũng vài trăm ngàn lượt xem và cao nhất hơn 7,1 triệu lượt xem. Đa số clip đều không có giá trị giúp trẻ tư duy sáng tạo, thậm chí có thể gây nguy hiểm nếu trẻ làm theo.
Đầy rẫy clip nhảm, độc hại
Điển hình trên kênh này, clip có tên "Siêu nhân người nhện troll gái xinh và cái kết", thu hút gần 1,5 triệu lượt xem. Nội dung là một người mặc đồ siêu nhân đút bánh cho cô gái ăn. Cô gái say sưa bấm điện thoại, người nhện đưa một mô hình phân người vào miệng cô gái. Ở một cảnh khác, cô gái đang nói chuyện với một siêu nhân trước mặt thì bị một siêu nhân khác đứng sau lưng đặt khúc củi lên ghế, khi cô ngồi xuống bị cây củi nhọn đâm trúng mông nên rượt siêu nhân bỏ chạy. Không rõ clip muốn nói điều gì qua hành động của nhân vật trong clip.
Ở một kênh YouTube khác, clip "Làm vỡ tivi của mẹ thì sẽ ra sao?" trên 5,1 triệu lượt xem với nội dung nam thanh niên ôm một tivi màn hình phẳng đợi lúc mẹ chạy xe về đến cổng thì ném tivi xuống sân. Người mẹ thấy tivi bể nát đã dùng xẻng đuổi con chạy khắp xóm. Sau đó, người con mới nói tivi hỏng, ném xuống sân để trêu mẹ, tivi thật đang ở trong nhà. Cuối clip người mẹ nói đó là tivi hư và kêu gọi mọi người đăng ký, chia sẻ clip của con mình.
Một clip khác mang tính chất rất nguy hiểm khi hai thanh niên thử nọc độc rắn hổ mang và rắn cạp nia xem rắn nào độc hơn. Clip dài gần 22 phút, nam thanh niên cầm rắn cạp nia cho cắn rắn hổ mang, cho rắn hổ mang cắn vào rắn cạp nia. Tiếp theo, cho cả hai con rắn cắn vào 3 con cóc. Cuối clip, nam thanh niên cho biết chờ 4 tiếng thì kết quả rắn cạp nia chết tại chỗ, rắn hổ mang vẫn trườn...
Siêu nhân dùng khúc gỗ trêu cô gái trong clip “Siêu nhân người nhện troll gái xinh và cái kết”
Hệ lụy đau lòng
Tối 21-11-2020, một bé trai 8 tuổi ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai vào nhà vệ sinh để tắm, sau đó gia đình phát hiện bé treo lơ lửng sát tường, cổ áo móc lên móc áo trong nhà vệ sinh. Dù được đưa đi cấp cứu ngay lập tức nhưng cháu không qua khỏi. Theo người nhà, cháu bé rất hiếu động, hay bắt chước thử thách trên YouTube là móc áo quần đang mặc trên người vào cành cây để treo người lủng lẳng. Trước đó, một bé gái 5 tuổi ở TP HCM tử vong cũng vì đã xem và làm theo hướng dẫn thử thách thắt cổ nhưng vẫn thở được từ clip trên mạng. Theo cộng đồng mạng, các nạn nhân đã làm theo thử thách của một nhân vật quái dị trên mạng với đầu người, mình gà, tóc đen và mắt lồi.
Ngoài những vụ việc đau lòng cướp đi tính mạng của các cháu bé vì làm theo clip trên mạng, thời gian qua rất nhiều bé gái dễ dãi kết nối với người không quen biết và trở thành mục tiêu xâm hại tình dục của kẻ xấu. Điển hình mới đây, một nữ sinh lớp 10 ở Thanh Hóa quen biết với một thanh niên trên Facebook, được rủ đi phượt, cho uống bia rồi xâm hại tình dục. Hay một học sinh lớp 7 (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), qua mạng xã hội, quen một thanh niên làm thợ hồ 20 tuổi, quan hệ tình dục nhiều lần dẫn đến có thai rồi tự sinh con trong phòng tắm gây xôn xao dư luận vừa qua. Tương tự, một bé gái 15 tuổi ở Long Phước, Long Thành (Đồng Nai) quen một thanh niên 21 tuổi qua Facebook. Chỉ sau 3 ngày nhắn tin trò chuyện, người này đã dụ dỗ em vào nhà nghỉ. Gia đình phát hiện sự việc khi em đã mang thai 6 tháng…
Ứng xử kém trên mạng xã hội dẫn đến cãi nhau rồi hẹn nhau huyết chiến dẫn đến hậu quả đau lòng cũng là một trong nhiều vụ án xảy ra gần đây. Theo thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận 10 (TP HCM), nhiều vụ chỉ vì bất đồng quan điểm chuyện chó mèo hay việc ra oai với bạn gái, chứng tỏ mình mà nhiều thanh thiếu niên ấn nút trên mạng, hẹn nhau "offline" nói chuyện bằng dao, bằng kiếm.
"Điện thoại thông minh phổ biến, internet phủ sóng mọi lúc mọi nơi, mạng xã hội bùng nổ nên trẻ em có những mối quan hệ, giao tiếp phức tạp trên mạng xã hội. Một trong các biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là sự quan tâm, sâu sát của cha mẹ. Cha mẹ phải biết con chơi với ai, con đi đâu, làm gì; để ý thái độ, biểu hiện bất thường của con để kịp thời can thiệp, ngăn chặn hậu quả xấu. Đặc biệt cân nhắc khi cho con sử dụng điện thoại di động thông minh có kết nối internet. Không nên để con tự do tìm kiếm, xem clip trên mạng mà thiếu sự kiểm soát của cha mẹ" - thiếu tá Nguyễn Chí Thanh nói.
Gia đình là "pháo đài" bảo vệ con
Theo thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM, trên nền tảng mạng xã hội, nhiều YouTuber, Facebooker vì lượt view mà bất chấp, sản xuất ra những clip nhảm nhí, độc hại. Họ chỉ quan tâm phải làm sao để lượng người xem càng ngày càng nhiều vì điều đó đồng nghĩa với việc có nhiều tiền, còn nội dung clip có gây hại cho ai hay không, không phải là việc của họ. Gia đình chính là "pháo đài" để bảo vệ trẻ. Cha mẹ cần quan tâm và giúp con tránh xa những "chiếc bẫy chết người" đang tràn lan trên mạng. Nếu không, những sự việc đau lòng sẽ còn tiếp diễn trong tương lai.
Bình luận (0)