Không chỉ tập làm theo, nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị kích động bạo lực, phim ảnh đồi trụy khi tham gia mạng xã hội… Vì vậy, đã đến lúc cần thiết phải có quy định pháp luật về độ tuổi tối thiểu tham gia mạng xã hội, thời gian sử dụng mạng.
Đừng chần chừ nữa!
Một điều không thể phủ nhận tính tích cực của mạng xã hội là đem lại nhiều kiến thức bổ ích, mới mẻ cho người dùng, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có mặt trái, đó là trên môi trường mạng luôn ẩn chứa nhiều rủi ro khi thông tin xấu, độc luôn xuất hiện. Trẻ em với sự nhận thức chưa hoàn thiện và sự hình thành nhân cách chưa đầy đủ rất dễ bị đầu độc nếu không có biện pháp giám sát, ngăn chặn.
Hiện nay, Luật Trẻ em tại điều 1 quy định: "Trẻ em là người dưới 16 tuổi", là cơ sở pháp lý để xác định độ tuổi của trẻ em. Thế nhưng, Luật Trẻ em và các văn bản liên quan không có quy định nào về việc trẻ em ở độ tuổi nào thì mới được tham gia mạng xã hội. Vì vậy, trên thực tế, có những trẻ 7-8 tuổi đã tham gia mạng xã hội. Hiện nay, các trang mạng xã hội lớn như: Facebook, YouTube (Google) hay Twitter, Whatsapp… đều quy định rõ độ tuổi được phép của người dùng từ khi bắt đầu mở tài khoản là 13 tuổi. Tại Việt Nam việc tuân thủ quy định này trên thực tế phần lớn chỉ dựa vào sự trung thực khi khai báo của người sử dụng chứ không có gì để xác định tính chính xác của việc khai báo.
Đã đến lúc phải quy định độ tuổi trẻ em tham gia mạng xã hội để tránh những vụ việc đau lòng khi các em tập làm theo hướng dẫn trên mạng Ảnh: QUANG LIÊM
Trước thực tế trên, năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã từng có dự kiến xây dựng một văn bản pháp quy để quy định về độ tuổi được phép tham gia mạng xã hội của trẻ em. Rất tiếc là đến nay, sau gần 2 năm, văn bản pháp quy này vẫn chưa được ra đời.
Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có hơn 60 triệu người sử dụng internet, đứng thứ 18 thế giới và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỉ lệ khá lớn. Vì vậy, đã đến lúc nên quy định độ tuổi tối thiểu cho người sử dụng mạng xã hội. Về độ tuổi có thể tham khảo các mạng xã hội lớn quy định là 13 hoặc có thể khởi điểm là tròn 14 tuổi. Đối với độ tuổi 14, các cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm chứng độ tuổi người sử dụng mạng xã hội thông qua giấy tờ cá nhân là căn cước công dân.
"Săn" và xử nghiêm các thông tin xấu, độc
Điều 54 Luật Trẻ em quy định về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nêu rõ các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Kế đến, Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 29-5-2017 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em, tại điều 35 quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải có biện pháp sử dụng dịch vụ bảo vệ người sử dụng là trẻ em; phải cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Đặc biệt hiện nay, quy định về sử dụng, cung cấp, chia sẻ thông tin xấu, độc trên môi trường không gian mạng bị xử phạt tương đối nghiêm khắc. Theo điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định những hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn… sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Như vậy, về mặt quy định pháp luật đã có. Thế nhưng thực tế thời gian qua, những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội bị xử phạt và buộc tháo gỡ khỏi môi trường mạng phần lớn được phát hiện từ phản ánh của các cơ quan báo chí, người dùng mạng xã hội. Vì vậy, vấn đề còn lại là các cơ quan có thẩm quyền cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý thật nghiêm những trường hợp cung cấp, chia sẻ thông tin độc hại trên mạng xã hội.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-3
Bình luận (0)