GS-TS HUỲNH VĂN SƠN, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP HCM:
Trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết
Thế giới phẳng đã trở thành thuật ngữ quen thuộc, chỉ sự phát triển toàn cầu hóa khi những nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng nhau tác động, khiến cho các mô hình xã hội, chính trị và xã hội bị thay đổi. Theo Thomas Friedman, tác giả cuốn sách "Thế giới phẳng", thế giới phẳng đi theo hai chiều: Một có thể rất tích cực, một có thể rất tiêu cực. Nó xảy ra theo hướng nào là phụ thuộc vào chính chúng ta.
Ở khía cạnh tiêu cực, thế giới phẳng tạo ra nhiều cạm bẫy, không ít thách thức, hiểm nguy. Vậy nên, điều quan trọng nhất chính là giáo dục. Cải cách giáo dục làm sao để trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết nhằm hợp tác, tương tác, khai thác những điểm mạnh của thế giới phẳng. Nếu cha mẹ đồng hành, sát cánh với con, cùng con trải nghiệm thì sẽ có những dự báo, dự phòng cần thiết trước những vấn đề nguy hiểm sẽ xảy ra.
Một điểm cần lưu ý nữa là internet chắc chắn hấp dẫn nhưng kèm theo đó là những mặt trái. Nếu chúng ta chỉ sử dụng các clip vui nhộn để thư giãn, liệu thời gian nào để con cái có thể tư duy, khám phá và suy luận cao hơn những hành vi lồ lộ dễ dãi? Nếu chúng ta khai thác các video phim không được kiểm duyệt, chỉ tập trung câu view, liệu con cái chúng ta sẽ có gì ngoài những cái nhìn giản đơn về cuộc sống? Hay nếu chúng ta dùng chính những công cụ trên internet để thu hút cái nhìn của con: cho con ăn, ru con ngủ, dọa con sợ…, sẽ mang đến những căng thẳng dài lâu và tạo ra những sự tổn thương không đáng có.
Bạn đọc ĐỖ NGÔ TRẦN:
Cùng vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng
Đâu chỉ một kênh YouTube dành cho trẻ em sản xuất những clip vô bổ, phản cảm, nhảm nhí, hiện trên mạng xã hội YouTube, Facebook đầy rẫy thông tin của giới trẻ được cho là giật gân, thách đố, ngông cuồng… Từ phát ngôn tục tĩu, nghênh ngang đến bạo lực học đường, khoe hàng hiệu một cách kệch cỡm…
Ngăn chặn những tác động tiêu cực từ mạng xã hội, cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước tiên là sự vào cuộc của cơ quan chức năng, phải yêu cầu loại bỏ ngay những thông tin xấu phát tán lan rộng trên mạng. Hiện cơ quan chức năng còn bị động, chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý hữu hiệu, phần nào đó buông lỏng, khi có vụ việc bức xúc xảy ra mới vào cuộc xử lý.
Về phía cha mẹ, cần dành thời gian quan tâm, hướng dẫn con, có thể kết bạn với con trên mạng xã hội để có điều kiện chia sẻ, khuyên bảo, "vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng". Nhà trường có thể mở thêm khóa rèn luyện kỹ năng sống, tuân thủ pháp luật cho học sinh.
Đặc biệt truyền thông với sự lan tỏa mạnh mẽ, cần đăng nhiều gương người tốt, hành động đẹp, câu chuyện nhân văn, qua đó tác động tới lương tri và nhận thức con người, giúp nhìn nhận cuộc sống cũng như hành xử hằng ngày chuẩn mực hơn, tôn trọng quy phạm đạo đức và luật pháp. Những câu chuyện tử tế về anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu sống cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ở Hà Nội; anh Nguyễn Ngọc Hiền (TP HCM) trong lúc dọn dẹp vệ sinh nhặt được 7.400 USD đã tìm cách trả lại cho chủ nhân; chị Lê Thị Hậu (tỉnh Nghệ An) trong lúc đi bán vé số nhặt được chiếc ví bên trong có hơn 5 triệu đồng, 1 miếng vàng cùng một số tài sản đã đến giao nộp cho công an… Truyền thông đại chúng hãy tiên phong kịp thời lan tỏa những tấm gương người tốt, hành động đẹp, câu chuyện nhân văn để đề cao lý tưởng sống đẹp giúp đẩy lùi cái xấu, những tiêu cực, kỳ quái trên mạng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-3
Bình luận (0)