Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên bị hư hỏng nặng. Tối 12-11, một người điều khiển xe máy đến đoạn đường này bị sụp ổ gà, té ngã và tử vong sau đó.
Không chỉ riêng đoạn này, nhiều vị trí khác cũng xuống cấp trầm trọng, lõm sâu rất nguy hiểm nhưng vẫn chưa được sửa chữa. Dự án này mới được đầu tư xong nghiệm thu đưa vào sử dụng, còn đang trong thời hạn bảo hành.
Câu hỏi đặt ra đường mới làm đã xuống cấp trầm trọng như vậy sao lại lọt cửa nghiệm thu để rồi xảy ra tai nạn chết người, gây bất an cho những người tham gia giao thông?
Về phía đơn vị quản lý, sau khi tiếp nhận bàn giao, lẽ nào không phát hiện những bất ổn với đường lõm sâu, xuất hiện ổ gà để cảnh bảo và yêu cầu nhà thầu khắc phục hoặc chủ động phương án bảo đảm an toàn theo quy định?
Thực tế rất nhiều tuyến đường sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng chưa lâu đã hư hỏng trầm trọng để lại những cái bẫy trên đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, thậm chí chết người.
Đáng nói là quy định đã có, vi phạm đã rõ nhưng khi hậu quả chết người xảy ra, hiếm thấy tổ chức hay cá nhân nào có liên quan bị xử lý.
Vậy nên những chỗ lõm sâu, ổ gà trên đường như những cái "bẫy" vẫn cứ tồn tại. Đường hỏng có thể sửa, tồn tại có thể khắc phục nhưng tính mạng con người lấy gì bù đắp?
Để tránh những tai nạn đau lòng, cơ quan quản lý sau khi tiếp nhận bàn giao nên xem việc bảo đảm an toàn trên tuyến đường là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, là tiêu chí để kiểm điểm người đứng đầu khi có tai nạn giao thông trên địa bàn. Cần chú trọng việc chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện và khắc phục các tồn tại, chướng ngại vật trên đường để lường trước các rủi ro.
Về phía chủ đầu tư, nhà thầu liên quan cũng phải chịu trách nhiệm khi tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng chưa lâu đã hư hỏng nặng. Hãy xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức có trách nhiệm, được giao quản lý, thi công đã "vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông" không rào chắn, không cảnh báo dẫn đến tai nạn chết người.
Bình luận (0)