"Đội quân" tiếp thị thường chọn các khung giờ cao điểm để hành nghề. Họ đi từng nhóm 5-7 người, mỗi người cầm trên tay cả xấp dày tờ rơi, chia nhau "trực chiến" tại các chiều đường của nút giao thông. Hễ đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, mọi phương tiện dừng lại chờ, "đội quân" tiếp thị lại nhanh chóng từ lề đường ùa ra, len lỏi giữa dòng xe cộ để phát tờ rơi quảng cáo. Khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu xanh thì cũng là lúc mặt đường đầy tờ rơi.
Không riêng gì ngã tư đông đúc kể trên mà tại TP HCM, rất nhiều nút giao thông cũng luôn có "đội quân" tiếp thị phát tờ rơi hằng ngày. Tình trạng này đã gây cản trở, thậm chí dẫn đến tai nạn giao thông và cũng là một trong những nguyên nhân khiến rác thải tràn ngập đường phố, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị.
Chưa hết, tờ rơi còn được dán trên cột điện, trụ đèn, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng, bờ tường cơ quan, xí nghiệp, chung cư…; thả vào các nhà có cổng rào…
Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2013/NĐ-CP) về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo đã có hiệu lực từ ngày 5-5-2017. Theo đó, người phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông bị phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng. Người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo trên tờ rơi đó bị phạt 5-10 triệu đồng. Trong lĩnh vực này, cũng có hành vi vi phạm bị xử phạt đến 30 triệu đồng…
Quy định rõ ràng là vậy nhưng dường như đến nay, hiếm có cơ quan chức năng nào xử phạt nên những hành vi vi phạm cứ thế "phát tán". Thiết nghĩ, để quy định pháp luật đi vào cuộc sống - chứ không phải chỉ tồn tại trên giấy, các cơ quan chức năng liên quan cần xử lý kịp thời các vi phạm. Đặc biệt, cần có những quy định ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Nếu không làm nghiêm thì sẽ dẫn đến tình trạng nhiều người coi nhẹ hoặc mất niềm tin vào luật pháp.
Bình luận (0)