Thực phẩm trên thị trường hiện nay muôn màu muôn vẻ. Hàng hóa "sạch" hiếm hoi nên đi đâu người bán cũng gắn mác "rau sạch", "trái cây sạch"... để khẳng định đó là những thực phẩm được làm, trồng thủ công, không sử dụng hóa chất. Tuy nhiên, chưa ai kiểm chứng được nguồn gốc của hàng hóa được gọi là "sạch".
Báo chí đưa tin rất nhiều về thực phẩm bẩn, do gian thương sử dụng các loại hóa chất tiêm, bơm vào sản phẩm nhằm thu lợi cao. Điều này làm cho cơ quan chức năng và người tiêu dùng đau đầu. Thế nhưng, dù hoang mang, nghi ngờ thì nhiều người vẫn thản nhiên dùng với suy nghĩ: "Trời kêu ai nấy dạ", "Thà làm ma no còn hơn làm ma đói", "Không ăn cũng chết, ăn cũng chết, tốt hơn là phải ăn"... Suy nghĩ dễ dãi ấy đã khiến cho thực phẩm bẩn ngày càng nhiều thêm. Không khó để bắt gặp những quán ăn có các lọ đựng tương đen, tương ớt không nhãn mác (những thực phẩm này quá hạn rất nguy hiểm cho sức khỏe). Thay vì phàn nàn về vấn đề đó, người tiêu dùng bỏ qua, thoải mái cho vào tô phở, hủ tiếu, bánh canh... Hay những loại thịt, cá có ruồi nhặng bu đầy nhưng vì rẻ nên khách hàng vẫn mua về dùng…
Đã đến lúc chúng ta cần chung tay xây dựng một thói quen khắt khe, khó tính trong việc mua và sử dụng hàng hóa để môi trường kinh doanh được nâng cao chất lượng. Không nên dễ dãi với những hàng hóa không nhãn mác, kém vệ sinh, cẩu thả. Dù biết rằng điều đó rất khó đối với những người có thu nhập thấp nhưng vì một thị trường xanh, sạch, vì sức khỏe của chúng ta thì vẫn phải làm. Với số tiền ít ỏi, thay vì mua được nhiều sản phẩm kém chất lượng, nên mua một món hàng chất lượng. Nên mua hàng ở những nơi đáng tin cậy. Phải tự bảo vệ mình trong cơn bão hàng độc hại tràn lan.
Nếu ai cũng khắt khe, đòi hỏi hàng hóa có nhãn mác, hạn sử dụng, bao bì sạch sẽ… thì chủ quán ắt sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ vì không muốn khách quay lưng. Điều quan trọng nữa là cơ quan chức năng nên kiểm tra thường xuyên và xử lý nghiêm những tiểu thương vi phạm luật để họ từ bỏ thói xấu.
Bình luận (0)