Vụ kiện trải qua nhiều cấp xét xử, từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm (Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin). Đến khi bản án có hiệu lực với phán quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn trả đất thì ông Chơn vẫn... phải chờ.
Cụ thể, sau khi ông Chơn làm thủ tục hợp thức hóa quyền sử dụng đất của mình, UBND quận 12, TP HCM ra Công văn 2663 (ngày 26-4-2022) có nội dung trả hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với thửa đất này vì cho rằng phần đất đó liên quan vụ kiện dân sự khác. Lại tiếp tục hành trình đi tìm công lý, ông Chơn buộc phải kiện UBND quận ra tòa.
Tháng 3-2023, TAND TP HCM tuyên UBND quận 12 thua kiện, các bên có thời hạn 15 ngày để kháng cáo... Do UBND quận 12 chậm trễ trong các thủ tục kháng cáo nên tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo quá hạn, án sơ thẩm đương nhiên có hiệu lực pháp luật.
Theo đó, UBND quận 12 phải chấp hành yêu cầu của tòa án hủy Công văn 2663, giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Chơn.
Đáng nói, trong quá trình xét xử sơ thẩm, đại diện bị đơn chưa một lần tới tòa theo triệu tập. Vì vậy, việc chậm trễ kháng cáo cũng không khó hiểu bởi nó thể hiện thái độ hời hợt với vụ việc và phần nào cho thấy cách ứng xử trước vấn đề của dân từ nhà chức trách.
Những tưởng công lý đã mỉm cười nhưng kịch tính chưa hết. Ngày 21-8, thẩm phán TAND quận 12 Trần Đức Lê ký thông báo thụ lý vụ án bổ sung "tranh chấp quyền sử dụng đất". Kỳ lạ hơn khi tranh chấp này là giữa 2 cá nhân Trần Thị Minh Phước và Đỗ Thị Liễu nhưng ông Chơn bị đưa vào vụ án với vai trò bị đơn.
Việc "làm mới" một vụ án rất cũ thông qua việc kéo người được luật pháp xác nhận chủ quyền đất vào khiến bất cứ ai biết chuyện đều không khỏi lo lắng sổ hồng sẽ kéo dài thêm thời gian "xa chủ".
Tính chính đáng, hợp lý, đúng luật của những văn bản trên sẽ được trả lời thông qua quá trình kiểm sát của VKSND. Có điều, về tình, để một người đã 92 tuổi dành hơn 20 năm đi tìm quyền và lợi ích chính đáng của mình phải mòn mỏi đợi chờ thì chỉ nghĩ thôi đã cảm thấy phũ phàng.
Việc nào ra việc nấy, hãy cứ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ bản án đã có hiệu lực pháp luật. Đừng gây nên sự phức tạp không đáng có. Trong trường hợp này, việc chưa thực hiện bản án thực sự là nỗi tâm tư về nhiều khía cạnh của không chỉ một cá nhân...
Bình luận (0)