Tính đến hết tháng 9-2014, trên địa bàn TP Hà Nội có 16.028 người nghiện ma túy có hồ sơ theo dõi, quản lý. Lãnh đạo Hà Nội luôn quan tâm, làm rất quyết liệt công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn. Tuy nhiên theo ông Hùng, chỉ có tập trung cai nghiện tại trung tâm mới hy vọng đem lại hiệu quả tốt hơn cho người nghiện ma túy.
Ông Hùng cho rằng theo Nghị định 94/2010/ NĐ-CP quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng thì tất cả người nghiện phải tự giác ra khai báo chính quyền địa phương là mình đã bị nghiện, phải đăng ký hình thức cai nghiện. Nhưng người nghiện làm gì có ai tự giác khai mình bị nghiện. Vậy xử lý thế nào? Rồi Nghị định 94 giao cho trạm trưởng y tế xã, phường xác định người nghiện ma túy. Mà để theo dõi được hội chứng cai, xem người đó có nghiện hay không thì sau xét nghiệm phải giữ lại để theo dõi ít nhất từ 24-72 giờ. Các trạm trưởng y tế bảo rằng họ là bác sĩ thì làm sao giữ được người nghiện không tự giác, người nghiện sẽ trốn khỏi trạm ngay.
“Mấy chục năm làm bác sĩ, tôi đã từng ôm bệnh nhân được cai nghiện tại nhà, tại phường, đi hướng dẫn các tỉnh làm cai nghiện. Tôi không dám nhận xét tỉnh khác nhưng với Hà Nội, tôi khẳng định mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là không thành công” - ông Hùng quả quyết.
Ông Hùng đánh giá cao đề xuất của TP HCM về việc kiến nghị Quốc hội ra một nghị quyết có tính chất thí điểm để tháo gỡ những vướng mắc pháp lý hiện hành. “Đề xuất của TP HCM là rất cần thiết vì nó xuất phát từ bức xúc trong thực tế. Tôi hoàn toàn ủng hộ và rất mong Hà Nội cũng được thực hiện như vậy chứ làm theo quy trình hiện hành thì chắc chắn không địa phương nào có thể đưa đối tượng đi cai nghiện được vì thủ tục quá rắc rối và thiếu khả thi” - ông Hùng nói.
Bình luận (0)