Chiều 27-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (QH) TP HCM chính thức có văn bản gửi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện.
Những quy định không thể thực hiện
Theo văn bản này, Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên do TAND cấp huyện xem xét, quyết định nhưng khi thực hiện rất khó khăn. Số người nghiện ma túy ở TP HCM hiện là 19.000, tăng 7.000 người so với năm 2013, trong đó có hơn 60% từ các tỉnh nhập cư về và không có địa chỉ quản lý.
Cùng với đó, quy trình, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc... rất phức tạp. Cụ thể, trước khi đưa đi cai nghiện tập trung, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương từ 3-6 tháng. Nếu giáo dục không được thì giao các tổ chức xã hội xét nghiệm dương tính với chất gây nghiện và giao cho tòa án quyết định... Trong khi đó, gia đình của người nghiện không cư trú ở TP, còn “tổ chức xã hội” lại không quy định là tổ chức nào hay phải thành lập ra một tổ chức xã hội mới. Do vậy, để đưa được người nghiện vào cai nghiện tập trung phải mất cả năm.
Trên cơ sở này, Đoàn Đại biểu QH TP HCM kiến nghị Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Về các vấn đề xã hội nghiên cứu, xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ QH để trình QH cho phép áp dụng giải pháp tình thế để tháo gỡ khó khăn cho công tác cai nghiện tại TP HCM. Kiến nghị Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội họp với các bộ, ngành hữu quan sớm tháo gỡ ách tắc đối với công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy sống ở các địa bàn dân cư; kiến nghị QH cho phép dưới hình thức một nghị quyết hoặc lồng ghép vào nội dung của Nghị quyết về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, giao TP HCM quản lý, cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện ma túy tại Trung tâm Tiếp nhận đối tượng xã hội (thay cho các tổ chức xã hội) trong khi chờ lập hồ sơ ban hành quyết định của tòa án đưa đi cai nghiện tập trung.
Quá cấp bách
Văn bản của Đoàn Đại biểu QH TP HCM nhấn mạnh: “Đây là vấn đề hết sức cấp bách vì mức độ lây lan ngày càng nhanh, ngày càng nghiêm trọng, là “bước đệm” quản lý nhằm hạn chế người nghiện tràn lan ngoài xã hội, gây bất ổn cho người dân”.
Trả lời Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn Đại biểu QH TP HCM, cho biết ông đã có trao đổi riêng với Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng về vấn đề cai nghiện của TP HCM. “Hiện nay, tình hình người nghiện, tái nghiện ở thành phố đã báo động nếu không được tập trung cắt cơn, cai nghiện thì sẽ lây lan ra cộng đồng, gây bất an cho người dân, càng chậm trễ thì nguy hại càng lớn” - ông Lập lo ngại.
Theo ông Lập, trước thực trạng TP HCM là “vùng trũng” của con nghiện ở khắp nơi đổ về làm ăn, phạm tội để “kiếm thuốc” rất cần một cơ chế thí điểm nhằm ngăn chặn tình hình này lan rộng. “Nghị quyết 16 của QH được thí điểm trước đây đã giúp TP HCM giảm mạnh về số người nghiện, trộm cướp, tệ nạn xã hội, lây nhiễm HIV/AIDS cũng giảm theo. Nhân dân TP khen và vẫn nhắc liên tục tại sao không làm tiếp?” - ông Lập bày tỏ.
Đồng tình với kiến nghị trên, Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương nhấn mạnh: Cần tạm dừng quy định hiện nay và cho áp dụng quy định cũ bởi nếu chỉ áp dụng cơ chế riêng trên một địa bàn thì không phù hợp. Phải giải quyết tổng thể và QH cần có quyết sách về vấn đề này ngay, nếu không người nghiện sẽ tăng gấp đôi, gấp ba lần.
“Tình hình người nghiện ở TP HCM đang rất nóng bỏng và cần có biện pháp hữu hiệu hơn. Chúng tôi sẽ có buổi làm việc với TP HCM để cùng tìm biện pháp phù hợp chứ nếu để kéo dài ngày nào thì hệ lụy càng đau xót” - ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, khẳng định.
Bình Dương cũng kiến nghị cơ chế riêng
Ông Ninh Quốc Bình - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiêm Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Bình Dương - cho biết: Từ đầu năm đến nay, Bình Dương chưa đưa được đối tượng nghiện nào đi cai bắt buộc, trong khi trước đây, mỗi năm có trên 400 lượt người được đưa đi cai nghiện. Hiện Bình Dương có hơn 2.300 đối tượng nghiện ngoài cộng đồng, được lập danh sách để theo dõi, quản lý; trong đó có trên 60% là người nhập cư, không nghề nghiệp, dễ vi phạm pháp luật. Những vụ án nổi cộm vừa qua như băng đá gà từ Bình Dương ra Bình Thuận nổ súng hay vụ cầm súng giả cướp tiệm vàng ở Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đều do những đối tượng nghiện thực hiện.
“Nguyên nhân khiến tỉnh Bình Dương không thể đưa người nghiện đi cai bắt buộc vì gặp quá nhiều thủ tục “bất khả thi”. Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh Bình Dương đang gấp rút tham mưu để UBND tỉnh xin trung ương cho Bình Dương cơ chế đặc thù, linh hoạt nhằm đưa các đối tượng nghiện nặng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” - ông Bình cho biết.
N.Phú
Bình luận (0)