Trong khi đó, sau Tết, số lượng du khách sẽ gia tăng, không chỉ khách du lịch nước ngoài, Việt kiều mà còn có cả người trong nước. Cách làm ăn chụp giật, "chặt chém", chèo kéo, cưỡng đoạt tài sản, thiếu văn hóa… đã và đang diễn ra ở một số cửa hàng, nơi cung cấp dịch vụ sẽ làm xấu đi hình ảnh, uy tín, tạo ấn tượng không tốt về địa phương và cả nước.
Để ngăn chặn tình trạng này, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý du lịch; bắt buộc các cửa hàng cung cấp dịch vụ cho du khách phải đăng ký kinh doanh, niêm yết công khai, đầy đủ giá cả các loại hàng hóa, sản phẩm bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài tùy vào đối tượng du khách mà cửa hàng nhắm đến. Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh hoặc hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ du khách.
Bên cạnh đó, phải kiên quyết xóa bỏ tình trạng buôn bán hàng rong rồi chèo kéo, đu bám du khách; có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp cho những người này. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp lữ hành có hành vi móc nối với các địa điểm du lịch để "chặt chém", ép buộc du khách phải sử dụng các dịch vụ.
Nếu xảy ra tình trạng "chặt chém", lực lượng chức năng cần khẩn trương vào cuộc để tiến hành kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định, đặc biệt là bắt buộc phải bồi thường, công khai xin lỗi đối với du khách đã sử dụng dịch vụ bị "chặt chém".
Mặt khác, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự với du khách để xây dựng hình ảnh tốt đẹp về con người, đất nước Việt Nam tới bạn bè quốc tế; để du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách hơn nữa trong thời gian tới, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Bình luận (0)