Vụ nam sinh 16 tuổi Trường THCS-THPT tư thục Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP HCM) nhảy lầu tự tử vì quá mệt mỏi bởi áp lực học tập và không thể đáp ứng kỳ vọng của gia đình là hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều phụ huynh có con em đang ở độ tuổi này.
Thành tích học tập của con là điều mà phụ huynh nào cũng kỳ vọng. Có người mong muốn con học giỏi để sau này thành đạt, có địa vị trong xã hội. Cũng có người có điều kiện kinh tế nhưng vẫn bắt con học, bắt con chạy theo thành tích vì lòng ích kỷ, ganh đua giữa các phụ huynh hoặc sợ con có thời gian rảnh sẽ sa đà vào những trò chơi vô bổ, bị bạn xấu rủ rê bỏ học…
Vì vậy, nhiều phụ huynh đã bỏ qua, không quan tâm đến tâm lý của con, áp đặt, ra mệnh lệnh buộc con phải tuân theo. Học sinh có quyền vui chơi, giải trí sau những giờ học căng thẳng để giải tỏa tâm lý, áp lực nhưng khi vừa tan trường đã bị phụ huynh đưa đến những "lò" học thêm. Đối với học sinh cuối cấp, áp lực học thêm lại càng lớn hơn vì phải thi chuyển cấp vào trường chuyên, trường điểm hoặc trường công lập.
Trong nhiều trường hợp, học là tiền đề để một người có thể thành công trong cuộc sống, nhất là thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, khi khoa học là ưu tiên hàng đầu của sự phát triển. Nguồn nhân lực phải giỏi mới đáp ứng được nhu cầu của phát triển. Thế nhưng, để một người có thể thành công trong sự nghiệp thì niềm đam mê, ước muốn của cá nhân sẽ thúc đẩy sự thành công đó và đôi khi bằng cấp trong một số trường hợp chưa chắc đã làm nên sự thành công.
Nhiều doanh nhân thành đạt, nông dân giỏi, ca sĩ, nhà thiết kế… được xã hội tôn vinh, trong số họ nhiều người phải bỏ dở việc học để chạy theo niềm đam mê, sở thích, sở trường, năng khiếu riêng của mình và đã đạt tới sự thành công.
Nói điều này để thấy rằng để có kiến thức, sức khỏe, nhân cách, ứng xử tốt… thì việc học trên ghế nhà trường là chưa đủ. Nhồi nhét kiến thức văn hóa nhưng khả năng ứng xử kém, sức khỏe giảm sút do ít vận động, không biết bơi để phòng tránh đuối nước, không biết phân biệt điều tốt - xấu hoặc các tệ nạn xã hội để né tránh... thì học để làm gì?
Muốn học sinh phát triển toàn diện phải để cho các em hòa nhập với cộng đồng, được trải nghiệm cuộc sống, học tập những kỹ năng sống, biết phân biệt người tốt, kẻ xấu để ứng xử cho phù hợp… Đồng thời, cha mẹ phải thường xuyên giám sát, giúp con nhận biết điều hay, lẽ phải; dạy con biết thụ hưởng những thành quả do lao động mà có và phải biết chấp nhận những thất bại, cay đắng của cuộc sống để cố gắng vươn lên…
Cơ quan quản lý giáo dục cần thường xuyên thanh - kiểm tra chương trình dạy và học trong nhà trường, xử lý nghiêm những trường chạy theo thành tích, tự ý đề ra nội dung dạy học ngoài chương trình, nhất là kiểm soát tình trạng dạy thêm, học thêm… nhằm giảm áp lực học tập đối với học sinh.
Bình luận (0)