Đường tránh đoạn qua địa phận thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có vốn đầu tư 250 tỉ đồng mới làm xong đã nứt toác, biến dạng mặt đường dài gần 200 m, hở rộng nhiều đoạn hơn nửa mét, có những nơi hở sâu khoảng 1 m, khiến ôtô không thể lưu thông. Thế nhưng, nhà thầu vẫn khẳng định "thi công đảm bảo chất lượng", còn dẫn chứng "Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã nghiệm thu". Bộ Giao thông Vận tải lại cho rằng mặt đường bị ngậm nước nên đã phát sinh hư hỏng bởi mưa lớn kéo dài từ ngày 23-8 đến 3-9.
Không còn là chuyện lạ
Những công trình giao thông mới làm xong đã hư hỏng ở nước ta, không còn là chuyện lạ. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư hơn 34.000 tỉ đồng, đưa vào sử dụng chỉ mới 1 tháng có đoạn đã bong tróc, chi chít ổ gà. Quốc lộ 1 qua 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên có vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, đưa vào sử dụng chỉ thời gian ngắn đã hư hỏng trầm trọng.
Nguyên tắc xử lý trong xây dựng, thi công không bảo đảm chất lượng thì phải làm lại cho đạt mới được nghiệm thu để thanh toán chi phí. Thế nhưng, các công trình kém chất lượng rõ ràng như vậy vẫn lọt cửa nghiệm thu chất lượng và hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đường giao thông nào cũng phải tính đến yêu cầu tối thiểu tải nặng, lưu lượng xe chạy và phù hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng, ngập nước, mưa bão… Khảo sát, thiết kế tuân thủ quy trình, quy phạm chuyên ngành mới được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trước khi khởi công, nhà thầu lập phương án thi công, tư vấn lập đề cương giám sát, kiểm tra máy móc thiết bị. Vật liệu trước khi đưa vào sử dụng phải thí nghiệm có kết quả đạt yêu cầu. Hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng của nước ta khá đầy đủ với các quy định pháp lý, yêu cầu chặt chẽ như vậy vì sao thực tế diễn ra lại khác, không hiệu quả?
Không thể viện lý do bỏ thầu thấp nên thiếu tiền rồi sử dụng vật tư giá rẻ, kỹ thuật thi công kém. Dự toán đã được lập theo thiết kế công trình. Lo là cách thức thực hiện, đấu thầu với các mánh khóe, giới xây dựng thường gọi là "quân xanh", "quân đỏ". Thành ra, thay vì chú trọng chất lượng công trình, nhiều nhà thầu chỉ lo tạo quan hệ với người có thẩm quyền, làm công trình miễn sao được thanh toán. Chủ đầu tư và nhà thầu lắm khi là một nên phần khối lượng không đạt vẫn được nghiệm thu. Nếu chủ đầu tư quản lý tốt, giám sát hiệu quả thì nhà thầu muốn làm ẩu cũng rất khó.
Đường tránh đoạn qua địa phận thị trấn Chư Sê (tỉnh Gia Lai) mới làm xong nhưng nhiều nơi sụt lún sâu, xé tan mặt đườngẢnh: Hoàng Thanh
Ngân sách có hạn, không thể phung phí
Đường hỏng, khắc phục càng tốn kém, tăng chi phí mà không tạo ra giá trị hữu ích, không tương xứng với vốn đầu tư đã chi ra. Lúc này một đồng tăng trưởng ở nước ta đang phải trả giá bằng nhiều đồng vốn đầu tư hơn con số bình quân các nước khác. Trong khi đó, còn nhiều dự án dân sinh cấp thiết phải hoãn vì thiếu vốn. Ngân sách có hạn, không thể phung phí.
Một vấn đề khác cũng khiến người dân bức xúc là thái độ một số cơ quan chức năng khi phát hiện các công trình kém chất lượng, hư hỏng trầm trọng nhưng vẫn không truy cứu trách nhiệm đúng mức với tổ chức và cá nhân có liên quan; có quyền mà không xử lý nghiêm các sai phạm để cảnh báo và tạo sự răn đe.
Mất mát lớn nhất không chỉ là thiệt hại, hậu quả đã xảy ra mà còn là đạo đức và niềm tin. Từ đó có thể dẫn đến hệ lụy coi trọng các mối quan hệ hơn sự đúng đắn, ý thức pháp luật. Nếu các sai phạm không bị xử lý nghiêm thì dần dà sẽ trở thành điều bình thường, chuyện đương nhiên trong nhận thức xã hội, thật và giả lẫn lộn tạo ra sự bất an trong đời sống.
Trong lĩnh vực xây dựng, chất lượng công trình cần được đặt lên hàng đầu, công tác quản lý phải xuyên suốt có tính hệ thống, không thể trông đợi sự tự giác của các bên liên quan. Đấu thầu phải thực chất, có cạnh tranh để chọn được nhà thầu tốt nhất. Quản lý, giám sát chặt chẽ trong thi công. Khâu tổ chức phải minh bạch, chi tiết trong thực hiện, có cơ chế kiểm tra chéo, xử lý kịp thời các vi phạm, phần khối lượng không đạt phải bỏ và làm lại.
Vai trò cơ quan quản lý nhà nước, nên có biện pháp kiểm soát được sự tuân thủ pháp luật và trình tự thi công, chất lượng, khối lượng, tiến độ, giá trị công trình. Kiểm soát cho được giá trị thực mà nhà thầu thi công đã bỏ ra để mua sắm, xây dựng... Những sai phạm ảnh hưởng chất lượng công trình cần quy trách nhiệm cụ thể, xử lý nghiêm, cá nhân có thể cấm hành nghề, tổ chức thì không cho tham gia thực hiện công trình khác, khởi tố hình sự với những sai phạm nghiêm trọng. Bảo hành công trình không chỉ trong một năm mà phải tương ứng với từng dự án theo hướng kéo dài thời gian, trách nhiệm nhà thầu.
Phải khắc phục triệt để
Vụ việc đường tránh đoạn qua địa phận thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) mới làm xong đã hư hỏng trầm trọng, cần khắc phục triệt để. Đó là yêu cầu nhà thầu bóc bỏ hết phần hư hỏng để làm lại, lu lèn đạt độ chặt thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, thực hiện đúng quy trình thi công. Đừng xử lý chắp vá, manh mún, vừa mất an toàn giao thông vừa tạo tiền lệ xấu và khuyến khích cho các sai phạm khác, lặp đi lặp lại điệp khúc đường làm xong lại sửa - hỏng - sửa.
Bình luận (0)