Hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng đô thị còn đạt thấp. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng chậm so với phát triển kinh tế - xã hội... dẫn đến tình trạng ngập lụt.
Vì sao ngập lụt?
Bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nguyên nhân dẫn đến các đợt ngập cục bộ ở các đô thị là do con người. Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, không ít ao, hồ, kênh, rạch bị san lấp, phân lô bán nền. Trong khi ao, hồ giữ vai trò như túi đựng nước mỗi khi mưa lũ về. Chưa có thống kê cụ thể về diện tích phân lô, bán nền sau san lấp kiểu này nhưng mỗi năm ao, hồ bị san lấp là không nhỏ, tạo nên quỹ đất đô thị khá lớn, từ đó làm tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương và tăng cả tình trạng ngập lụt đô thị.
Tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hệ thống thoát nước chưa đồng bộ tại nhiều nơi. Nhiều công trình, dự án thoát nước đô thị chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa hoàn chỉnh. Ở mỗi dự án khu đô thị đều có phương án thoát nước nhưng quy mô nhỏ.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập do quy hoạch không đồng bộ, không có cốt nền đô thị nên đô thị chỗ thấp chỗ cao. Mặt khác, dự án triển khai sau thường có cốt nền cao hơn dự án trước, tạo ra nhiều điểm nghẽn về thoát nước. Sau khi hoàn thành, mặt bằng của dự án đô thị mới cao hơn khu dân cư cũ gây ngập nước cục bộ khi mưa to.
Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch đô thị chậm đổi mới, chất lượng thấp… Số lượng đô thị tăng nhưng chất lượng đô thị và môi trường sống chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải. Những biện pháp thích ứng với khí hậu và khả năng chống chịu chưa được lồng ghép chặt chẽ vào các quy trình lập kế hoạch và ngân sách cho đô thị.
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt đô thịẢnh: Lê Vĩnh
Cần nhiều giải pháp
Không có giải pháp nào bảo đảm chống ngập 100% cho các đô thị. Thay vì chỉ tập trung tìm cách giảm mức độ ngập lụt, giải pháp khả thi hơn là tìm cách để làm sao ít thiệt hại nhất khi bị ngập. Đây là vấn đề có tính liên ngành, trong đó quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị đóng vai trò trung tâm.
Trước tiên cần rà soát, lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị theo hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro, tôn trọng không gian dành cho nước; quy hoạch thoát nước theo hướng thoát nước bền vững thích ứng biến đổi khí hậu; tăng tỉ lệ diện tích cây xanh, không gian mặt nước trong các đồ án quy hoạch đô thị; sửa đổi bổ sung, thay thế, ban hành mới các quy định có liên quan đến quản lý thoát nước; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các định mức, dự toán… có tính đến tác động của biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Xây dựng hệ thống bể ngầm, hồ chứa nước mưa để thu gom nước tại chỗ và trữ nước. Đồng thời lồng ghép chức năng điều tiết nước mưa vào các hồ hiện hữu, lồng ghép chức năng thoát nước trong các dự án phát triển đô thị, khu dân cư. Bổ sung quy chuẩn với các công trình công cộng, thương mại chiếm dụng bề mặt lớn phải xây dựng bể ngầm chứa nước.
Phân lưu vực thoát nước hợp lý có tính đến yếu tố liên kết vùng, đề xuất các khu vực không ngập úng để có các giải pháp bảo vệ, đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước; các khu vực nhấp nhận việc sống chung với ngập úng để có giải pháp cảnh báo cho người dân phòng tránh an toàn và hiệu quả.
Nghiêm cấm san lấp hồ, ao, kênh, rạch; xử phạt nghiêm xả rác, xây dựng trái phép, lấn chiếm kênh rạch và các công trình thoát nước. Ưu tiên vốn để cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước cũ; tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước; thường xuyên thu gom bùn rác tại các hố ga, nạo vét bùn lắng trong lòng cống, nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy, giải tỏa nhà ổ chuột trên sông, kênh...
Bình luận (0)