Đi sâu vào các con hẻm ven hai bờ kênh Đôi (quận 8, TP HCM) không khó để bắt gặp cảnh những ngôi nhà chật hẹp chen chúc người. Phía dưới dòng kênh, hàng tấn rác thải được chính những hộ dân ở đây thải trực tiếp xuống.
Mới chỉ giải tỏa 2.400/20.000 căn nhà
Nhà ông Lê Chí Thành (63 tuổi) nằm dưới chân cầu Hiệp Ân 2 (quận 8) chỉ rộng hơn 12 m2. 20 năm trước, ông và 2 người thân trong gia đình sống trên ghe, sau đó gom góp mua được 4 m2 đất nền dựng căn chòi và xây lấn ra mặt nước để đủ diện tích ở. Cả 3 người trong gia đình đều độc thân, trên 60 tuổi, sống nhờ vào những tờ vé số.
Đầu năm 2016, ông Thành và người dân trong xóm được chính quyền thông báo sẽ phải di dời đi nơi khác, ai cũng mừng vì nghĩ sẽ thoát cảnh sống trong ô nhiễm nhưng rồi qua một số lần khảo sát, lấy ý kiến, đến nay vẫn chưa có thông tin về ngày di dời. "Tôi nghe nói căn nhà tôi nếu giải tỏa thì chỉ nhận hơn 300 triệu đồng, không đủ để tìm nơi nào sinh sống được. Nhiều hộ nơi đây có đến 15-20 người, nếu được cấp cho căn hộ tái định cư cũng không đủ chỗ ở" - ông Thành nói.
Tương tự, hơn 40 năm sinh sống tại TP HCM, đến nay gia tài của ông Ba Chúc (61 tuổi) là căn chòi xây dựng tạm bợ nằm dọc bờ sông Sài Gòn, cạnh chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh, TP HCM). Chính quyền địa phương nhiều lần vận động cho vay vốn để mua đất nền tái định cư nhưng ông Ba Chúc từ chối vì "làm việc cả ngày không đủ trang trải cuộc sống, nói gì đến chuyện dư tiền để trả nợ’’. "Tôi không phải làm khó chính quyền nhưng quả thật khó di dời. Rất nhiều người sống xung quanh đây không có mảnh đất cắm dùi, đành mượn bờ sông làm nơi tá túc" - ông Ba Chúc tâm sự.
Di dời 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch (gần 50% số căn nhà tập trung tại các quận 8, 4, 7, Bình Thạnh...) là 1 trong 5 kế hoạch chỉnh trang đô thị thuộc 7 chương trình đột phá. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2020 phải di dời toàn bộ số căn nhà ven kênh, rạch để tổ chức lại cuộc sống người dân, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch. TP sẽ phải cùng lúc làm 65 dự án với việc phát triển khai thác mạnh mẽ bờ Nam kênh Đôi, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, dọc hai bờ kênh Tẻ... Kinh phí thực hiện hơn 44.000 tỉ đồng và một nửa sẽ là ngân sách, số còn lại xã hội hóa. Tuy nhiên, tính đến nay chỉ giải tỏa hơn 2.400 căn.
Dãy nhà ven kênh Đôi (quận 8, TP HCM)
Thúc đẩy vốn, tháo gỡ thủ tục
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nhìn nhận dù đã có nhiều văn bản ủy quyền cho các quận, huyện chủ động thực hiện công tác di dời nhưng vẫn chậm vì khó khăn trong công tác bồi thường. Phần lớn các căn nhà có diện tích mặt đất rất nhỏ, phần còn lại cơi nới, lấn chiếm trên mặt nước. Ngoài ra, theo quy định pháp luật, dựa vào kiến trúc công trình nhà để bồi thường theo đơn giá nhưng những căn nhà này làm bằng vách tôn, gỗ một cách tạm bợ nên tiền đền bù không cao. "Thứ hai là việc di dời bằng vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ. Đặc biệt hình thức hợp tác công - tư hiện vẫn còn trục trặc" - ông Huỳnh Thanh Khiết cho biết.
Để giải quyết bài toán hiện nay, theo đại diện Sở Xây dựng TP HCM, cần thúc đẩy nguồn vốn và tháo gỡ thêm các thủ tục đang vướng. Ngoài ra, để khuyến khích người dân chấp nhận việc di dời, cần bố trí và ưu đãi việc tái định cư.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho biết đối với các dự án chỉnh trang đô thị, doanh nghiệp ngại tham gia vì phải đứng ra thương lượng người dân để giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, quỹ đất hoán đổi thấp và số vốn bỏ ra rất cao. Để thu hút nguồn lực xã hội hóa, chính quyền cần tăng cường ưu đãi thêm cho doanh nghiệp. Chẳng hạn nhà nước giải phóng mặt bằng và doanh nghiệp được ứng trước phần vốn hoặc hỗ trợ về mặt lãi suất.
Theo ThS Trần Quang Chung, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, kết quả khảo sát từ Viện Nghiên cứu Phát triển TP cho thấy hơn 80% người dân nằm trong diện giải tỏa có mức thu nhập thấp, điều kiện đời sống không bảo đảm. Phần lớn tâm lý người dân muốn tái định cư tại chỗ và bảo đảm diện tích tối thiểu để đủ tất cả thành viên gia đình sinh sống. "Có ý kiến cho rằng cần mở rộng hành lang giải tỏa ven sông để có quỹ đất dùng vào mục đích thương mại. Đây là giải pháp hay. Ví dụ, dự tính giải tỏa hai bên bờ kênh, mỗi bên 20 m thì giải tỏa thêm vào 20 m nữa và phần diện tích đó đấu giá để tạo nguồn lực. Các dự án ven kênh sẽ thu hút rất nhiều nguồn lực và giảm bớt áp lực ngân sách. Từ đó có thể hỗ trợ tối đa người dân và họ sẽ chấp nhận di dời" - ThS Trần Quang Chung nói.
Bài học từ Thái Lan
Kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam cho biết việc phát triển kinh tế bằng kênh, rạch hiện được nhiều nước quan tâm và đầu tư. Tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), qua nhiều năm giải tỏa, đến nay kênh, rạch đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá thúc đẩy sự phát triển mọi mặt. Sự hồi sinh của dòng kênh vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm vừa giúp giảm bớt áp lực hạ tầng giao thông. Gần 20% người dân ở thủ đô Bangkok đi làm bằng hệ thống buýt đường sông (tổng lượt hành khách 30.000 lượt/ngày). Số tiền sử dụng phương tiện này rẻ, chỉ bằng một nửa so với tàu điện trên cao và tàu điện ngầm, thời gian di chuyển nhanh gấp 5 lần so với sử dụng ôtô. Đặc thù kênh, rạch tại đây có nét giống TP HCM. Vì vậy, dù khó cách mấy cũng phải chỉnh trang đô thị một cách bài bản để hồi sinh được đô thị "trên bến, dưới thuyền".
Bình luận (0)