Tôi đọc báo, theo dõi tin tức hằng ngày, thấy dường như đúng là không có nơi đâu rảnh như người Việt Nam. Trong giờ làm việc mà cứ kéo nhau ra quán ngồi, lai rai ăn trưa đến 14 giờ và chưa đến 17 giờ, quán xá đã kín chỗ tới tận khuya.
Hội chứng đám đông
Không chỉ “giết thời gian” bằng ngồi lê từ quán này sang quán khác, giới trẻ bây giờ còn tò mò, tọc mạch vào mọi chuyện. Bất cứ ở đâu, giờ nào, cứ có tai nạn, cãi nhau, đánh nhau… là lập tức đám đông hiếu kỳ tụ tập, bàn tán. Nhiều khi số người hiếu kỳ đứng xem còn đông hơn lực lượng chức năng nhiều lần. Chính đám đông hùa theo, cổ vũ là động lực cho những hành động hay sự ganh đua vô lối, vô văn hóa. Đám đông hùa theo những điều họ cũng không biết là gì nhưng vô hình trung tạo ra một hiệu ứng lớn và để lại hậu quả không nhỏ mà chính bản thân những người tham gia không lường hết. Thành phố cũng như nông thôn, một đồn mười, mười đồn trăm, câu chuyện từ A sang B, cứ làm như quan tâm, thương cảm nhưng thật ra đang làm khổ người khác vì những câu chuyện thêu dệt của mình.
Đó có phải văn hóa của người Việt hay không? Tôi cho rằng đó là hội chứng đám đông và thói quen bắt chước của những người thiếu suy nghĩ. Hội chứng đám đông này rất phổ biến. Một người thì không sao nhưng cứ 2-3 người trở lên ngồi với nhau là bắt đầu tụ tập quán xá. Một phần vì xã hội ta xuất phát từ một xã hội nông nghiệp, tính kỷ luật không cao, nếp sống công nghiệp không có. Mặt trái của văn hóa nông nghiệp là khiến người ta sống tùy tiện, ít trọng lý, ít trọng nguyên tắc, xuề xòa, hòa cả làng, hễ nông nhàn là đi chơi, tụ tập.
Chính vì thế mới có tình trạng rất nhiều thanh niên trông sáng sủa, mặt mũi thông minh nhưng lại ngang nhiên vượt đèn đỏ. Nhanh chậm vài giây không để làm gì hết, chỉ là không muốn tôn trọng luật lệ mà thôi.
Gốc rễ vẫn là giáo dục
Tuy nhiên, quan trọng hơn là nhiều thanh niên hiện nay không được giáo dục đến nơi đến chốn. Không ít thanh niên bây giờ không tư duy, suy nghĩ, thích gì làm đó, chán thì lại vứt đi vì đã được bố mẹ, gia đình lo giùm rồi, không cần lo nữa. Cũng không hiếm thanh niên thích lãng phí thời gian vào những thứ phù phiếm chỉ để thể hiện sự sành điệu.
Những hiện tượng trên nếu không kịp thời chấn chỉnh và ngăn chặn hiệu quả, lâu ngày sẽ lây lan, thành “tật” và đáng lo ngại hơn là trở thành “văn hóa” của người Việt.
Muốn thay đổi, gốc rễ vẫn là giáo dục. Phải có giáo dục mới hiểu được giá trị sống, mục tiêu sống, nguyên tắc sống, có hoài bão, ước mơ. Nếu sống không có mục đích, không biết ngày mai làm gì thì sẽ dễ dàng buông thả mà thực tế cuộc sống cũng cho thấy rất nhiều vụ án xảy ra cũng chỉ vì… “quá rảnh”.
Đặc biệt, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Cha mẹ phải hết sức gương mẫu, hình thành thói quen tốt cho con cái ngay từ nhỏ mới hy vọng thay đổi được suy nghĩ đã bám rễ từ nhiều đời.
Thời gian là vàng
So sánh giữa người đi làm và một người nhàn rỗi sẽ thấy rất rõ “thời gian là vàng”. Một người đi làm trong 1 giờ lao động có thể kiếm ra khoảng 30.000 đồng, trong khi 1 người nhàn rỗi có thể 1 giờ chi tiêu còn nhiều hơn con số đó. Nếu làm bài toán nhân, 1 ngày làm 8 giờ và 1 tháng làm 30 ngày thì trung bình 1 người đi làm có thể tạo ra thu nhập 7.200.000 đồng, quy đổi ra bằng 2 chỉ vàng. Một số bạn trẻ có gia đình khá giả, không phải lo các khoản chi phí khác; nếu đi làm, mỗi tháng dư 2 chỉ vàng, nhân lên cho 12 tháng, số vàng có được không ít.
Tiếc là nhiều bạn trẻ lãng phí quá nhiều thời gian tạo ra vàng. Thời đại công nghệ thông tin, việc tiếp cận thông tin rất dễ dàng nhưng các bạn trẻ lại bỏ quá nhiều thời gian cho việc đi cà phê, ăn nhậu, Facebook, Zalo… mà quên mất lợi ích từ việc cập nhật thông tin để hoàn thiện bản thân, hoàn thiện kỹ năng sống.
Những người luôn biết tận dụng hợp lý thời gian và thông tin, đa số họ là những người thành đạt.
Phạm Thanh Mộng
Bình luận (0)