Ghi nhận thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng và phương tiện công cộng dành riêng cho người khuyết tật (NKT) hiện còn thiếu, chưa thực sự được quan tâm khiến họ còn mặc cảm, tự ti và gặp không ít khó khăn mỗi khi đi lại trên đường phố hoặc sử dụng xe buýt.
Học tập các nước
Chia sẻ về giải pháp, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng có thể áp dụng kinh nghiệm quốc tế. Chẳng hạn, ở các ngã tư, lối ra vào các tòa nhà phải có đường riêng cho NKT đi xe lăn. Các công trình công cộng như vỉa hè, tòa nhà, bến xe, xe buýt… cần thiết kế, bố trí những thiết bị hỗ trợ hướng dẫn bằng âm thanh, biển báo bằng chữ braille dành cho người khiếm thị. Nhà vệ sinh công cộng phải có tay vịn hai bên.
Anh Vũ Thịnh tìm những đoạn vỉa hè có lối lên xuống để điều khiển xe lăn
Xe buýt bắt buộc phải trang bị hệ thống nâng xe lăn. Khi có hệ thống này, tài xế, tiếp viên không cần phải xuống xe, chỉ cần ấn nút để điều khiển. Ngoài ra, hàng ghế dành cho NKT cũng phải đủ rộng để họ tự điều khiển xe lăn vào. Ở thế hệ xe buýt sắp tới, TP HCM nên mua những loại có thiết bị nâng như vậy để NKT dễ di chuyển bằng phương tiện này.
"Riêng các bó vỉa ở TP HCM, có đường làm, có tuyến không làm. Ngay cả trên một tuyến như khu vực Công viên Tao Đàn thì chỗ có, chỗ không nên NKT đi không được. Việc này phải làm nghiêm túc chứ không thể làm cho có. Bên cạnh đó, TP HCM nên có quy định cụ thể để áp dụng cho toàn TP. Trước mắt là các tuyến đường mới và sau đó cải tạo những tuyến đường cũ. Về tình trạng xe máy đậu trước nhà chiếm luôn lối đi dành cho người khiếm thị, TP có thể áp dụng bằng việc kẻ vạch sơn phân định vỉa hè quy định phần nào được sử dụng, phần nào không được phép và lấy đó làm căn cứ xử phạt" - KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất.
Khảo sát nhu cầu sử dụng để đầu tư
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM (gọi tắt là Trung tâm), cho biết toàn TP có hơn 2.500 xe buýt với 4.200 vị trí dừng đỗ và 506 nhà chờ. Trong đó, 177/506 nhà chờ xe buýt và bến xe buýt Công viên 23 Tháng 9 đã được cải tạo lối lên xuống, thuận lợi cho người sử dụng xe lăn tiếp cận.
Theo ông Trung, trong số 1.680 xe được duyệt trong đề án đổi mới xe buýt giai đoạn 2014-2017, nhiều chiếc được thiết kế theo tiêu chuẩn tiếp cận NKT. Trung tâm đang thực hiện lộ trình về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông công cộng và phương tiện giao thông tiếp cận NKT theo chỉ đạo của UBND TP HCM. Theo lộ trình này, đến năm 2020, số xe buýt đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận (lắp đặt thiết bị nâng hạ, xe sàn thấp và sàn bán thấp) phải đạt 10%. Căn cứ đề án xe buýt giai đoạn 2018-2020, đến năm 2020, toàn TP có khoảng 5.200 chiếc, trong đó số xe đáp ứng quy chuẩn giao thông tiếp cận khoảng 500 chiếc. Cùng với đó là 20% điểm dừng nhà chờ xe buýt phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT.
Về hạ tầng như nhà chờ, vị trí dừng đỗ, ông Trung cho biết những yêu cầu của NKT là chính đáng nhưng nguồn lực của ngành vận tải hành khách công cộng có hạn nên phải đầu tư từng bước. Từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ cải tạo 85 nhà chờ theo hướng tiếp cận NKT. Đối với xe buýt, Trung tâm sẽ khảo sát nhu cầu sử dụng của từng tuyến trước khi đầu tư để tránh tình trạng lãng phí. "Ở nước ngoài, không phải tuyến nào cũng có xe buýt cho NKT; mỗi tuyến cũng chỉ có vài xe có ký hiệu tiếp cận NKT" - ông Trung dẫn chứng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 23-10
Giao thông công cộng Úc và NKT
Những năm gần đây, NKT đã được nhà nước và xã hội quan tâm nhiều hơn, cộng đồng cũng cởi mở hơn. Tuy nhiên, có một thực tế là hiệu quả của các chương trình hoặc các công trình tiếp cận cho NKT chưa cao, điển hình là việc tiếp cận xe buýt.
Tôi là NKT, sử dụng cả nạng và xe lăn, đã sống và học tập tại Úc 4 năm. Tôi không muốn so sánh khập khiễng, chỉ xin kể vài điểm ưu việt của giao thông công cộng Úc.
Tại Úc, các con đường và cả ngõ ngách đều có lối đi riêng cho người đi bộ, NKT, máng trượt cho người đi xe lăn. Việc này không khó nhưng chúng ta chưa làm được. Vỉa hè bị lấn chiếm, lối lên vỉa hè là những bậc tam cấp, không có lối cho xe lăn chạy lên.
Các trạm xe buýt ở Úc đều có hệ thống chữ nổi hoặc hệ thống loa để người khiếm thị có thể biết thông tin lộ trình. Xe buýt thiết kế ghế riêng cho NKT, nếu có xe lăn thì các ghế này được xếp gọn lại và nhường chỗ. Tại trạm chờ, khi xe buýt đến, tài xế hạ gầm xuống thấp và mở lối cho xe lăn chạy lên. Một điều mà chúng ta có lẽ chưa bao giờ thấy ở xứ mình, đó là toàn bộ hành khách đều xếp hàng sau lưng người sử dụng xe lăn, đợi họ vào vị trí rồi mới lần lượt bước lên xe.
Từ những trải nghiệm của mình, tôi thiết nghĩ nếu muốn cải thiện tình hình tiếp cận các phương tiện công cộng cho NKT, cần phải làm kiên quyết và đồng bộ. Trước hết, cải thiện vỉa hè và làm lối đi cho NKT, lưu ý đến người ngồi xe lăn và người khiếm thị. Cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa nhận thức cộng đồng về NKT thông qua các mạng xã hội; nêu gương những hình ảnh đẹp, tương thân tương ái. Ngoài ra, cần tập huấn cho các tài xế và nhân viên xe buýt những kiến thức cơ bản về phục vụ NKT. Riêng phần xe buýt, có thể đầu tư ở một vài tuyến hoặc có thể có 1- 2 xe cho vài tuyến lớn.
Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Từ An (từ Úc)
Bình luận (0)