"Quá vui!", "Không phải chờ đợi nữa". Bà con 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM) bày tỏ niềm vui khi cầu Long Kiểng chính thức thông xe sáng 8-9.
Cầu mới, hy vọng mới
Hướng mắt về dạ cầu, nơi nhóm công nhân đang trồng những khóm cây để hoàn tất hạng mục cây xanh cho cầu Long Kiểng, bà Trần Thị Liễu (77 tuổi, ấp 1, xã Phước Kiển) rưng rưng: "Sau 22 năm chờ đợi, cuối cùng bà con nơi đây đã được đi trên cây cầu mới khang trang, rộng rãi".
Gia đình 4 thế hệ của bà Liễu đều sống ở đây. Hằng ngày đều phải đi làm, đi học qua cây cầu sắt cũ nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc. Từ khi nhà nước có chủ trương xây cầu, rồi công trường dựng lên, công nhân đến thi công, bà con rất vui mừng nhưng xây được vài trụ cầu, công trình ngưng đến năm 2022 mới thi công lại.
Cầu Long Kiểng nhìn từ trên cao. Ảnh: THU HỒNG
"Hồi chồng tôi còn sống, mong có ngày được thấy dòng xe chạy qua cầu mới. Giờ chồng tôi mất hơn 6 tháng rồi. Phải chi ông còn sống, vợ chồng già chiều chiều ra nhìn xe cộ chạy qua lại trên cầu cũng vui" - bà Liễu xúc động.
Không chỉ bà Liễu, người dân ấp 1, xã Phước Kiển khi được hỏi đến cầu Long Kiểng thông xe, ai cũng phấn khởi. Ông Phạm Văn Sáu (55 tuổi) cười tươi nói: "Cầu mới không chỉ giúp bà con đi lại thuận tiện mà hơn hết, bà con ở đây hy vọng có thêm cơ hội làm ăn, buôn bán. Như cháu tôi, dự định sẽ mở cửa hàng buôn bán bàn ghế gỗ. Trước đây, từ xã Nhơn Đức qua Phước Kiển, xe tải không thể qua cầu cũ; nay có cầu mới, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, chi phí hàng hóa sẽ giảm, dễ cạnh tranh hơn".
Ở bờ bên kia, hòa trong niềm vui khánh thành cầu Long Kiểng, ông Bùi Văn Bình (xã Nhơn Đức) bày tỏ cầu cũ xây dựng từ những năm 1975, dù được gia cố sau sự cố sập cách đây vài năm nhưng ai đi qua cũng nơm nớp lo. "Tĩnh không cầu mới cao, tàu thuyền đi lại các tuyến từ ĐBSCL lên TP HCM sẽ thuận tiện hơn" - ông Bình nhận xét.
Tương tự, cầu Vàm Sát 2, huyện Cần Giờ dự kiến thông xe giữa tháng 9 đã đem đến niềm vui trọn vẹn cho người dân nơi đây trong dịp lễ Quốc khánh 2-9.
Ngắm cây cầu từ xa với những hạng mục đang dần hoàn tất, ông Nguyễn Văn Giang (xã Lý Nhơn) thổ lộ: "Ngày nào đi làm ngang tôi cũng ngắm cây cầu, khi thấy trên công trường chỉ còn lác đác vài công nhân dặm vá lại là biết cầu sắp thông xe, vui lắm. Cây cầu này sẽ thay thế cầu Vàm Sát 1 đã xuống cấp từ lâu".
Nhiều bài học kinh nghiệm
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (gọi tắt Ban Giao thông), chủ đầu tư 2 công trình cầu Long Kiểng và cầu Vàm Sát 2, cho biết về giá trị đầu tư, công trình cầu Long Kiểng không nhiều nhưng mang ý nghĩa rất lớn bởi từ khi phê duyệt dự án đầu tư đến khi thông xe đã 22 năm.
Theo ông Lương Minh Phúc, có 4 bài học kinh nghiệm được rút ra và cần nhân rộng đối với các công trình đang gặp khó khăn về mặt bằng.
Cụ thể sự quyết tâm, quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ lãnh đạo UBND thành phố đến địa phương, không chỉ tuyên truyền, vận động mà còn lắng nghe ý kiến người dân; kế đến là sự chủ động đeo bám của chủ đầu tư cùng các sở, ngành tháo gỡ kịp thời các vướng mắc; sự quan tâm đặc biệt của HĐND thành phố khi Chủ tịch HĐND thành phố đã 4 lần xuống địa phương thăm nom, động viên người dân và đôn đốc chính quyền địa phương vào cuộc nhanh chóng, quyết liệt hơn.
Cuối cùng là sự chia sẻ, đồng hành, ủng hộ của bà con đã giao mặt bằng cho dự án về đích.
"Không vướng nhiều năm như cầu Long Kiểng nhưng cầu Vàm Sát 2 cũng phải chựng lại gần 3 năm để chờ mặt bằng. Hai công trình này đưa vào sử dụng không chỉ tăng năng lực giao thông cho khu vực, tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho người dân 2 huyện ngoại thành mà còn lan tỏa sự tích cực, ý chí quyết tâm đến các công trình khác như cầu Ông Nhiêu, cầu Tăng Long (TP Thủ Đức), cầu Bà Hom (quận Bình Tân) hay sắp tới là mở rộng các con đường Lương Định Của (TP Thủ Đức), Tỉnh lộ 8 (huyện Củ Chi)…" - ông Phúc nói.
Quyết sách phù hợp, người dân đồng thuận
Dự án xây mới cầu Long Kiểng được UBND TP HCM phê duyệt từ năm 2001 với chiều dài 318 m, rộng 15 m, tổng mức đầu tư 589 tỉ đồng.
Trên cơ sở mặt bằng của 25 hộ dân được UBND huyện Nhà Bè bàn giao, Ban Giao thông đã khởi công xây dựng cầu vào tháng 8-2018. Đến tháng 12-2019, nhà thầu thi công xong các trụ T1, T2, T3, T4, T5, T6, T8 (đạt khoảng 40% tổng khối lượng công trình) thì phải tạm dừng do không có mặt bằng để tiếp tục thi công.
Từ năm 2020, chính quyền thành phố, các sở, ngành chỉ đạo UBND huyện Nhà Bè cùng chủ đầu tư tập trung tháo gỡ các vướng mắc, vận động, thuyết phục 103 hộ dân còn lại bàn giao mặt bằng. Nhờ đó, các hộ đã đồng thuận cao, không có trường hợp nào phải cưỡng chế.
Tại buổi lễ bàn giao mặt bằng 103 hộ dân còn lại tháng 9-2022, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhận định đây là cây cầu được người dân chờ đợi hơn 20 năm từ khi có quyết định đầu tư. Trải qua nhiều trắc trở, nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó ngoài nỗ lực của chính quyền các cấp để thuyết phục, tuyên truyền đến từng hộ dân thì rất cần sự chia sẻ, đồng thuận từ người dân. Chính sách bồi thường phải bảo đảm lợi ích cho họ, trong đó cơ chế, chính sách đều xuất phát từ thực tiễn địa phương, thực tiễn từng hộ dân. Nếu địa phương không nhạy bén tham mưu cho cấp trên để có quyết sách phù hợp thì công tác bồi thường sẽ gặp khó khăn.
Bình luận (0)