Hai người con bị nhà trường nhắc nhở về việc đóng tiền bảo hiểm y tế (BHYT), người cha xách dao đến trường đe dọa và bắt hiệu trưởng quỳ xin lỗi.
Thông tin trên làm nóng diễn đàn dư luận mấy ngày qua. Người cha bị lên án vì hành xử hung hăng, côn đồ, không biết tôn sư trọng đạo. Nhà trường bị chê trách vì ứng xử không tế nhị, phản sư phạm khi bêu tên học sinh dưới cờ chỉ vì chưa đóng BHYT. Ngành giáo dục, bảo hiểm cũng bị "điểm danh" vì bắt nhà trường kiêm nhiệm công việc của bảo hiểm xã hội.
Tôi có những người bạn, người thân đang làm giáo viên, khi trao đổi về câu chuyện này, ai cũng chạnh lòng. Cảm thông cho nhà trường phải chịu áp lực thi đua trong việc thu hộ tiền BHYT để rồi vì nóng lòng đạt chỉ tiêu mà vô tình làm tổn thương cả thầy và trò.
Xót xa cho phụ huynh, có thể vì hằng ngày oằn mình lo đủ hai bữa ăn đã khó, lấy đâu ra tiền ngay đóng cho con nên đã giận mất khôn, đẩy mình và gia đình vào con đường khó khăn hơn.
Thương cho những đứa trẻ chỉ mới ở lứa tuổi tiểu học đã bị cuốn vào chuyện tiền nong, chuyện hành xử phản cảm của người lớn. Bị bêu tên - dù không phải lỗi của mình đã là nỗi xấu hổ, mặc cảm với bạn bè; có người cha hành xử côn đồ, dao búa trước mặt bao nhiêu người lại càng sợ hãi, đau đớn. Trong câu chuyện này, người chịu thiệt thòi, khó xử nhất là hai đứa trẻ, không phải những người lớn.
Nhưng cũng qua câu chuyện này, nhìn lại hình như lâu nay, ngành giáo dục phải kiêm quá nhiều công việc không liên quan chuyên môn.
Em tôi là cô giáo dạy mầm non, sáng sớm đã ra khỏi nhà để kịp chuẩn bị đón trẻ. Hết một ngày phải dọn dẹp, sắp xếp lại lớp học, chiều muộn chưa được về mà còn phải họp hội đồng sư phạm, làm đồ chơi cho học sinh, viết báo cáo, sổ sách, giáo án, chuẩn bị dự giờ... Thôi thì trót theo nghề giáo viên mầm non, phải chấp nhận.
Nhưng cũng vì là giáo viên mầm non nên hễ quận có tổ chức họp hội, kỷ niệm ngày lễ, các cô cũng được mời tham gia vài ba tiết mục văn nghệ, phải dành thời gian tập, diễn. Các phong trào thi đua của quận, của ngành cũng không thể thiếu sự đóng góp của các cô...
Giáo viên các cấp tiểu học, trung học cũng không đỡ hơn. Ngày xưa, giáo viên thường hay đến nhà thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh; tranh thủ giờ ra chơi, thủ thỉ tâm sự để biết vì sao học sinh hay đi học trễ, học yếu, kém, sách vở không đầy đủ, thích gây sự trong lớp…
"Bây giờ, chúng tôi cũng mong muốn được làm vậy lắm chứ. Bởi dạy học không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn có nhiệm vụ dạy cho học sinh cách ứng xử đúng đắn, biết lý lẽ, phải trái ở đời; biết xử lý những tình huống trong cuộc sống... Rất thương học trò, rất hiểu trách nhiệm của mình nhưng thật sự chúng tôi không có thời gian" - một người bạn làm giáo viên tâm sự.
Theo bạn kể những buổi đầu giờ trước khi lên lớp hay giờ ra chơi, hàng núi công việc đang chờ giáo viên giải quyết: hồ sơ, sổ sách, báo cáo… Cái nào cũng gấp, nay giao mai phải nộp. Rồi còn nhiều hoạt động phong trào, họp tổ chuyên môn, họp hội đồng trường. Chưa kể giáo viên chủ nhiệm còn phải kiểm tra, nhắc nhở việc học sinh đóng BHYT, học phí, phong trào thi đua của lớp… Thời gian hạn hẹp mà ngoài chuyện ở trường, giáo viên còn có gia đình và muôn chuyện để lo.
Hỏi bạn mong muốn điều gì nhất, câu trả lời được chọn đầu tiên không phải là tăng lương mà là hãy để giáo viên làm đúng, làm tốt công việc chuyên môn mà họ được đào tạo.
Bình luận (0)