xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiến kế chặn đua xe trái phép (*): Gốc rễ phải là giáo dục

Hồ Xuân Huy - Ý Linh thực hiện

Theo các chuyên gia, muốn triệt xóa nạn đua xe trái phép thì không thể chỉ trông chờ vào công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý. Gốc rễ phải là giáo dục để phòng ngừa chung cho xã hội

Thiếu tá - tiến sĩ NGUYỄN HỒNG ANH, giảng viên Bộ môn Quản lý nhà nước về an ninh quốc gia Trường Đại học An ninh Nhân dân:

Phát huy vai trò của hệ thống chính quyền cơ sở

Thực tế cho thấy quá trình tụ tập, "dợt xe", biểu diễn thường diễn ra chớp nhoáng, tính chất chỉ vi phạm hành chính nên rất khó để xử lý mạnh tay. Trong khi đó, các "quái xế" ngày càng trẻ hóa, lợi dụng những lỗ hổng của pháp luật liên quan đến xử lý tội phạm đua xe, nhóm đối tượng này ngày càng công khai thách thức cơ quan chức năng, ngang nhiên thực hiện hành vi phạm pháp.

Hiến kế chặn đua xe trái phép (*): Gốc rễ phải là giáo dục - Ảnh 1.

“Quái xế” chặn đường Trường Chinh, quận 12, TP HCM đua xe chiều 18-4, hành vi đáng bị xử lý (Ảnh cắt từ clip)

Muốn triệt xóa thì không thể chỉ trông chờ vào công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý. Gốc rễ phải là giáo dục để phòng ngừa chung cho xã hội. Việc giáo dục không thể chỉ nói chung chung mà cần có những giải pháp thiết thực. Theo tôi, ngoài vai trò của nhà trường, cần phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống chính quyền cơ sở. Cụ thể, phải tăng cường các biện pháp phòng ngừa ngay tại nơi cư trú của các đối tượng xác định là cộm cán, những điểm nóng tệ nạn đua xe. Đặc biệt, cảnh sát khu vực thông qua các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt địa điểm, thông tin các đường dây chuyên độ xe để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Thầy HOÀNG SĨ ĐĂNG, giáo viên học phần Kỹ năng sống tại Trường THTP Nguyễn Du (quận 10, TP HCM):

Chú ý nhu cầu giải trí, vui chơi của thanh thiếu niên

Nhìn từ góc độ của người trẻ tham gia đua xe trái phép, có thể thấy với họ, đua xe chẳng khác mấy môn thể thao mạo hiểm. Họ xem việc làm những điều người khác không dám làm, thậm chí là điều cấm kỵ như việc chạy xe với tốc độ thật cao là cách chứng tỏ kỹ năng của mình (trong việc điều khiển xe), khẳng định bản thân đồng thời giải phóng năng lượng.

Pháp luật nên có các quy định chặt chẽ, chế tài xử phạt nghiêm. Mặt khác, nếu không thể cấm tuyệt đối, nên chăng cân nhắc việc xây dựng một trường đua xe chuyên nghiệp, để quản lý hoạt động này. Nhiều người trẻ coi việc vặn hết tay ga, lạng lách, phóng như bay… chỉ để giải khuây cho đỡ buồn. Nhà trường, gia đình, xã hội nên chú ý đến nhu cầu vui chơi, giải trí cho con em mình. Cụ thể, nhà trường nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, giúp học sinh có đời sống tinh thần phong phú hơn. Cha mẹ không nên thờ ơ, để con làm gì thì làm, chơi gì thì chơi mà nên tìm hiểu, nắm bắt lịch trình và khả năng chi tiêu của con. Hầu hết "tay đua" thường có điều kiện tương đối khá mới có thể sở hữu phương tiện và "độ" thành "xế" độc để lao theo tốc độ.

Anh PHAN THÂN DUY KHANG, học viên chuyên ngành lãnh đạo và quản lý Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright:

Tăng cường truyền thông

Sự thông dụng của mạng xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho thanh thiếu niên dễ dàng kêu gọi tụ tập. Nhiều cuộc đua diễn ra giữa ban ngày, thậm chí ngang nhiên chặn cả đường giao thông để đua rồi quay phim, chụp ảnh đăng Facebook. Do đó, cần bố trí các lực lượng đi tuần vào ban ngày tại các điểm "nóng" và tăng cường xử lý phạt "nguội".

Tâm lý thanh thiếu niên ưa các trò chơi mạo hiểm, vận động cường độ cao trong khi hạ tầng đô thị không cung cấp được các sân chơi, không gian vui chơi công cộng thiếu và không có kế hoạch dài hạn để bổ sung. Về lâu dài, nhà nước cần quy hoạch cụ thể phát triển các khu thể thao tại địa phương, đặc biệt là các khu vực đô thị hóa nhanh như các quận, huyện: Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, TP Thủ Đức; các khu có nhiều khu công nghiệp như quận 9, Củ Chi.

Không nên chỉ khắc họa câu chuyện đua xe bằng những hình ảnh "bạt mạng, rùng rợn" gây tò mò mà nên tăng cường truyền thông về công tác chống đua xe hay cách thức để người dân cùng chính quyền ngăn chặn. Các "tay đua" thường được mô tả là "thành phần bất hảo", cần phải xử lý song chúng ta không thể bỏ quên nhiệm vụ của chính quyền địa phương, gia đình và nhà trường trong công tác theo dõi, ngăn chặn và giáo dục.

Theo thượng tá Trần Nguyễn Phương, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, từ đầu năm đến nay, CSGT TP phát hiện, xử lý hơn 40 trường hợp tụ tập, đua xe trái phép, trong đó nhiều đối tượng dưới 16 tuổi.

Định vị bản thân

Theo thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông Trường Đại học Văn Lang, bên cạnh số đông bạn trẻ có chí cầu tiến, ham học hỏi, tham gia các hoạt động học tập, sinh hoạt lành mạnh vẫn còn một bộ phận có tâm lý ỷ lại, thiếu ý chí, nghị lực, ham thích các thú vui không lành mạnh. Dường như các bạn chưa tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong việc theo đuổi các mục tiêu tích cực, từ đó rơi vào trạng thái thừa thời gian, muốn chứng tỏ bản thân theo cách tiêu cực, trong đó có đua xe.

"Để có đời sống tinh thần lành mạnh, lựa chọn những thú vui và trau dồi kỹ năng sống thiết thực hơn, người trẻ cần xác định được định hướng, mục tiêu sống trong dài hạn: Mình muốn trở thành một người như thế nào? Mình kỳ vọng gia đình, xã hội sẽ nhìn nhận mình ra sao?... Việc tự nhìn nhận lại và tìm đọc, tham gia các lớp nâng cao khả năng tư duy, định vị bản thân rất cần thiết.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 20-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo