Bạn đọc Mai Đức Trung:
Giáo dục cần định hướng thích ứng thời cuộc
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.
Làn sóng công nghệ mới với sản xuất thông minh đòi hỏi không thể thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành giáo dục cần phải có định hướng cụ thể để thích ứng với thời cuộc, đào tạo ra nguồn nhân lực tốt, đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Tức cần có sự thay đổi nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với thực tế, đặc biệt là nền kinh tế tri thức trong bối cảnh công nghệ 4.0.
Hiện có quá nhiều môn học, khối lượng kiến thức dày thiên về lý thuyết, nặng môn chính - môn phụ, yếu ngoại ngữ và ít thực hành. Hãy chuyển hướng cắt giảm số môn học, khối lượng kiến thức vừa đủ để duy trì xâu chuỗi từ kiến thức cơ bản đến nâng cao, không có sự phân biệt môn chính - phụ, ưu tiên ngoại ngữ, dành nhiều thời gian cho thực hành thực tế một cách trực quan.
Ưu tiên sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân, thông qua tự học, tư duy phản biện, đóng góp ý kiến, tạo điều kiện cho học sinh phát triển theo năng khiếu, học tập theo nhu cầu của bản thân và hướng nghiệp theo nhu cầu của xã hội.
Quá trình tự học, tự đào sâu kiến thức theo khả năng và tố chất của mỗi em sẽ giúp nhận thức được việc chọn ngành học. Các em hoàn toàn có quyền và được hỗ trợ thay đổi ngành học cho phù hợp.
Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa nên được ưu tiên hàng đầu. Thông qua hoạt động ngoại khóa, giáo viên có thể phát hiện được tố chất thật sự của mỗi học sinh, từ đó động viên và hỗ trợ các em phát triển theo đúng sở thích, tố chất.
Đặc biệt, TP HCM rất cần một trường đại học tầm cỡ quốc tế, bằng cấp đào tạo có giá trị quốc tế, qua đó tạo tiền đề thuận lợi để người Việt Nam đón nhận cơ hội toàn cầu trong thế giới phẳng, kinh tế tri thức làm chủ.
Trong nền kinh tế tri thức và xu hướng sống khỏe như hiện nay, y tế phải là mũi nhọn ưu tiên hàng đầu, TP HCM nên tạo điều kiện để tương lai không xa, có thể nâng tầm một trường đại học thuộc ngành y phát triển đột phá.
Ngành giáo dục cần định hướng cụ thể để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động (Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM) ẢNH: TẤN THẠNH
Bạn đọc Thanh Vân: Biến TP HCM thành trung tâm y tế kỹ thuật cao của khu vực
Ngoài những thế mạnh về kinh tế, các điểm nhấn về văn hóa, đô thị, TP HCM còn là mảnh đất hội tụ y tế tầm cao.
Với hơn 100 bệnh viện lớn nhỏ, TP HCM là một trong những thành phố có mật độ bệnh viện cao. Tuy nhiên, để phát huy thế mạnh, đòi hỏi trước hết phải nâng cao trình độ chuyên môn, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các bệnh viện theo từng khu vực, bất kể công tư, nhằm hỗ trợ và kịp thời chi viện bác sĩ, hạn chế việc chuyển viện, quá tải...
Trong một bán kính không quá rộng của khu vực Chợ Lớn (bao gồm quận 5, 6, 10 và một phần của quận 11), có thể thấy sự hiện diện của hàng loạt bệnh viện lớn, chuyên sâu, tên tuổi như: Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP HCM, Hùng Vương, Bệnh nhiệt đới, Chấn thương Chỉnh hình, Nhân dân 115, Nhi Đồng 1, Viện Tim TP HCM...
Một vùng đất "hội tụ y tế" như thế thì sao không thể phát triển thành một "trung tâm y tế tầm cao" với một đội ngũ các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc hàng mạnh nhất thành phố, thậm chí là cả nước; đủ sức hình thành, đáp ứng điều trị chuyên sâu trên các lĩnh vực mũi nhọn, tương lai như ngoại khoa, ghép tạng, hiếm muộn... mang tầm khu vực.
Tất nhiên, trước hết phải giải quyết tình trạng quá tải từ việc nâng cấp các bệnh viện tuyến quận, các bệnh viện chưa phát huy hết năng lực, công suất. Cần đầu tư cho các nơi này từ nhân lực đến thiết bị y tế, cả cơ chế xã hội hóa nhằm "chia lửa" với các bệnh viện tuyến trên. Cũng là cách để các bệnh viện tuyến trên thực hiện tốt vai trò tầm cao của mình.
Mục tiêu đưa TP HCM thành trung tâm y tế kỹ thuật cao của khu vực đòi hỏi sự chung sức, gắn kết của toàn bộ hệ thống y tế thành phố, mà trong đó, khu vực Chợ Lớn có thể xem là hạt nhân, trung tâm điều phối và điều trị bệnh lý chuyên sâu.
TP Thủ Đức sẽ giữ vai trò điều trị chăm sóc hỗ trợ, giảm nhẹ, phục hồi chức năng (kết hợp du lịch thư giãn với các địa phương như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...).
Còn khu vực quận 7, Bình Thạnh sẽ trở thành khu y tế dịch vụ 5 sao dành cho khách VIP với những bệnh viện như: FV TP HCM, Vinmec, Tâm Đức...
Không bàn sâu về chuyên môn vì tay nghề của đội ngũ bác sĩ TP HCM từ lâu đã được biết đến. Việc còn lại là đầu tư thật mạnh thiết bị y tế hiện đại, cũng như tạo mọi điều kiện, cơ hội tốt nhất để bác sĩ học tập và làm việc. Việc cấp cứu, chuyển viện bằng máy bay có lẽ cũng là phương án cần tính tới và thực hiện.
Với vị trí địa lý thuận lợi chỉ cần vài giờ bay là có thể kết nối với nhiều quốc gia trong vùng; sân bay Tân Sơn Nhất nằm ngay trong nội ô thành phố; sân bay Long Thành cũng sẽ là một động lực thúc đẩy đáng kể trong tương lai...
Bên cạnh đó, hệ thống chính trị ổn định, thời tiết thuận hòa cũng là những yếu tố cạnh tranh, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của TP HCM trong mắt bạn bè quốc tế.
Có thể nói chúng ta có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chỉ còn thiếu một bàn tay kết hợp, như một thứ tá dược sẽ kích hoạt, dẫn dắt những hoạt chất phát huy tốt nhất giá trị sẵn có của chính mình. Khi đó, TP HCM - trung tâm y tế mang tầm quốc tế có lẽ là điều không quá xa vời, viển vông.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)