TP HCM có vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực thuận lợi để phát huy vai trò kết nối các hoạt động liên quan đến vận chuyển, tổ chức, điều phối và phân phối hàng hóa cho vận chuyển quốc gia và quốc tế, trên cơ sở thương mại của các nhà khai thác.
Tiềm năng vượt trội
Về địa lý, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển logistics hơn nhiều nước trong khu vực. Trong những năm qua, Việt Nam đã có thêm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nổi bật là với Liên minh châu Âu có EVFTA, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Nhiều chuyên gia nhận định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, TP HCM nói riêng sẽ có nhiều thuận lợi để là điểm đến tiếp nhận dòng đầu tư này.
Xét về thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng logistics, TP HCM đang quy tụ cả cụm cảng biển lớn nhất và cụm cảng cạn lớn nhất (khu vực ICD Trường Thọ) của cả nước.
Đặc biệt, về cảng biển, cụm cảng Cát Lái và cảng container quốc tế SP-ITC còn là cụm cảng feeder lớn nhất thế giới, với gần 90 tuyến dịch vụ hằng tuần.
Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến rất đáng kể. Số lượng các doanh nghiệp (DN) và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng.
Chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016, đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam đang là quốc gia đứng tốp đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 14%-16%.
Thách thức cần vượt qua
Các nước trong khu vực như Đông Nam Á dù không được đánh giá cao về tiềm năng logistics như Việt Nam nhưng lại có sự chuyển biến mạnh mẽ nhờ đầu tư bài bản về hạ tầng.
Trong khi đó, một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng vẫn chưa thể bứt phá trở thành trung tâm logistics trong những năm qua là do hạ tầng còn yếu kém, dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa phải đi lòng vòng, đội chi phí lên cao.
Cả nước hiện có khoảng 4.000 DN logistics chuyên nghiệp, trong đó các DN đa quốc gia hàng đầu trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam.
Đội ngũ DN logistics trong nước tuy đông nhưng không mạnh, kinh doanh khá manh mún. Tiềm lực về tài chính của các DN logistics Việt Nam còn yếu, thiếu tiếng nói riêng với các hãng tàu nên bị kiểm soát về giá.
TP HCM cần triển khai nhiều giải pháp để phát triển logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Phát triển logistics tại TP HCM đang gặp nhiều thách thức do hạ tầng không thể đáp ứng nên trở thành điểm nghẽn. Hệ thống cảng cạn (ICD) khai thác vượt thiết kế và 5/6 cảng ICD tại thành phố đã có quyết định di dời nên hoạt động đơn lẻ, ít liên kết và khả năng kết nối nội địa yếu.
Các mức phí thu ở mỗi cảng chưa thống nhất. Các loại lệ phí, phí cầu đường còn cao và có nhiều chi phí phát sinh. Chi phí vận tải còn bất hợp lý như sử dụng đường bộ là chính, cước tàu biển quốc tế thì do các hãng tàu nước ngoài quyết định nên rất khó thương lượng.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều DN FDI đầu tư vào logistics phục vụ cho thương mại điện tử, nếu DN Việt Nam không liên kết, tạo thành một hệ thống các dịch vụ khép kín để cạnh tranh thì nhiều khả năng sẽ bị mất thị phần ngay trên sân nhà.
Giải pháp để phát triển
Trước hết, cần phát triển ngành logistics, quy hoạch lại hệ thống cảng biển, cảng sông và cơ sở hạ tầng; tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất để TP HCM trở thành trung tâm logistics và dịch vụ xuất khẩu vùng đủ mạnh.
Xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện và mang tính "mở" bao gồm chuỗi cung ứng dịch vụ hàng không, vận tải nội địa, hệ thống kho bãi, cảng container và ICD, vận chuyển hàng hóa đường sắt… sẽ vừa giúp nâng cao năng lực vận hành, gia tăng ảnh hưởng của các DN logistics tại thị trường trong nước vừa đáp ứng được yêu cầu của các khách hàng và đối tác quốc tế.
Cần có chiến lược triển khai các trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực cho logistics thì mới phát triển bền vững.
Nghiên cứu xây dựng kho dữ liệu tập trung như một phần của chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics nhằm số hóa hoạt động vận tải. Từ đó có cơ sở điều chỉnh về quy hoạch giao thông, bố trí bãi đậu xe nội thành, khu vực trung chuyển hàng hóa, bố trí giờ giấc ưu tiên.
Cải tiến dịch vụ hành chính công, ứng dụng công nghệ thông tin, hình thành cơ sở dữ liệu xuất nhập khẩu liên thông và dùng chung để tạo thuận lợi cho DN, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, rút ngắn quy trình để giảm chi phí bằng với các nước trong khu vực.
Các DN cần nâng cao nhận thức, mạnh dạn ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chuyển đổi số.
Trong các xu hướng công nghệ trong logistics, DN trong nước hoàn toàn có thể ứng dụng các công nghệ như IoT, AI, Machine Learning, dùng robot để tự động hóa trong kho hàng… Cần hợp lực, chia sẻ cùng nhau hướng đến một mục đích chung.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)