Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng, không thể chủ quan, nóng vội; cần phải chậm mà chắc, nếu không thì hậu quả có thể xảy ra khó lường.
9 chiến lược
Trong điều kiện hiện tại, cần áp dụng đồng bộ 6 nguyên tắc chiến lược quản lý, gồm: chiến lược quản lý nhà nước; chiến lược kinh tế; chiến lược áp dụng khoa học và công nghệ; chính sách giữ chân người lao động ở lại nơi làm việc và hỗ trợ người lao động quay trở lại lập nghiệp; chiến lược "câu giờ"; chiến lược vắc-xin.
Ngoài ra, dịch Covid-19 đã lây lan và bùng phát theo cơ chế và nguyên lý "vết dầu loang", cần áp dụng thêm 3 chiến lược khi "mở cửa" nền kinh tế.
Thứ nhất, với "chiến lược vết dầu loang", chọn TP HCM là tâm điểm vì là đầu tàu kinh tế, đông dân với nguồn nhân lực dồi dào, phủ vắc-xin đạt tỉ lệ tương ứng miễn dịch cộng đồng, hạ tầng y tế đang dần phục hồi, bảo đảm an sinh xã hội.
Sau khi "mở cửa" TP HCM, tiếp tục tập trung vào các tỉnh giáp ranh TP như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh…, tăng tỉ lệ phủ vắc-xin cho người dân, hỗ trợ và chuẩn bị hạ tầng y tế, an sinh xã hội cho đến khi người dân đạt miễn dịch cộng đồng, đủ các điều kiện "mở cửa" và liên kết an toàn với TP HCM. Sau đó, áp dụng cho các địa phương tiếp theo như Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp…
Khi mở cửa kinh tế, luôn sẵn sàng tâm thế “phòng, chống, ngăn và sống chung với dịch Covid-19” (Ảnh minh họa: Người dân tham gia giao thông trên đường Võ Văn Kiệt sáng 1-10 sau khi TP HCM nới lỏng giãn cách) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chiến lược tiêm vắc-xin cũng cần thực hiện theo cách tập trung, cuốn chiếu (tiêm tập trung dứt điểm từng tỉnh, TP cho đến khi đạt miễn dịch cộng đồng rồi mới tiếp tục tiêm cho địa phương tiếp theo), không nên dàn trải, chia đều mỗi tỉnh, TP vì sẽ không nơi nào đủ miễn dịch cộng đồng.
Tương tự, ở miền Bắc lấy Hà Nội, ở miền Trung lấy Đà Nẵng làm một điểm trọng tâm để thực hiện "chiến lược vết dầu loang".
Đối với "chiến lược liên kết vùng" - còn gọi là liên kết kim cương, TP HCM là tâm điểm, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh làm vùng đệm lân cận liên kết cho thành phố (khi các địa phương này đủ điều kiện phủ vắc-xin cộng đồng và "mở cửa" an toàn), cùng tương trợ, tương hỗ lẫn nhau để đạt mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế đất nước một cách an toàn và hiệu quả.
"Chiến lược vết dầu loang" và "chiến lược liên kết vùng" cần đồng thời thực hiện. Tỉnh liên kết với tỉnh (các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh), tỉnh "vùng xanh" liên kết với tỉnh "vùng xanh" (quận - huyện, phường - xã "vùng xanh" liên kết với quận - huyện, phường - xã "vùng xanh") để từng bước "mở cửa".
Thực hiện tối ưu 2 chiến lược này thì trong thời gian ngắn sẽ tạo thành chiến lược thứ 3 là "chiến lược tam giác" bền vững, an toàn cho sự phát triển, phục hồi kinh tế.
"Chiến lược tam giác" là chiến lược kết nối 3 thành phố lớn (Hà Nội- Đà Nẵng - TP HCM) làm 3 tâm điểm để tạo thành tam giác bền vững, nhằm phục hồi kinh tế theo đúng chủ trương "phòng, chống, ngăn và sống chung với dịch Covid-19" hiệu quả.
"Mở cửa" từng bước
Khi "mở cửa", cần phục hồi yếu tố tâm lý toàn diện, luôn sẵn sàng tâm thế "phòng, chống, ngăn và sống chung với dịch Covid-19". "Mở cửa" theo từng giai đoạn, tỉ lệ phần trăm nhất định; theo từng khu vực, ngành nghề, đối tượng dựa trên tỉ lệ tiêm chủng, tỉ lệ bệnh đã hết.
Bộ máy chính quyền nhà nước các cấp cùng cộng đồng doanh nghiệp, người lao động phải tập "sống chung với nhau", hỗ trợ nhau, đồng lòng chia sẻ vượt qua khó khăn, phát huy tinh thần "tương thân tương ái", phục hồi chuỗi cung ứng sản xuất trong giai đoạn đầu.
Đó là tiền đề tiến tới "mở cửa" thành công, từng bước "mở cửa" từng giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới với phương châm "phòng, chống, ngăn và sống chung với dịch Covid-19".
Nhà nước cần có thêm những chính sách giữ chân người lao động ở lại làm việc, tránh làn sóng di cư ngược; hỗ trợ người lao động trước đây về quê muốn quay trở lại làm việc, phục hồi kinh tế.
Nhà nước cũng cần áp dụng triệt để chính sách ngắn hạn trong dài hạn, nhằm nhanh chóng phục hồi kinh tế đất nước.
Phải bảo đảm thắt chặt an ninh biên giới trong lúc này. Thời điểm này chưa phù hợp với việc mở cửa du lịch cho nước ngoài, nếu có thì chỉ nên xem xét trước du lịch nội địa cho người dân có điều kiện phục hồi sức khỏe, tăng thêm nguồn thu nhập.
Ngành y tế cũng cần có chính sách thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế, như: thay đổi chính sách tập trung (cách ly, xét nghiệm…) chuyển sang chính sách cục bộ (cách ly F0 ở nơi có đủ điều kiện ở mức tối thiểu để người bệnh yên tâm điều trị; xét nghiệm cục bộ; đóng cửa - mở cửa cục bộ…).
Tiếp tục nâng cao cơ sở hạ tầng y tế, nguồn nhân lực y tế để không chỉ tập trung điều trị cho người mắc Covid-19 mà còn bảo đảm được công tác khám chữa bệnh, tiếp tục điều trị những loại bệnh khác, chăm sóc sức khỏe cho người dân…
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)