Đêm 13 và cả ngày 14-5, cả TP HCM bàng hoàng và chấn động vì tin dữ. Ai cũng ngậm ngùi tiếc thương cho sự ra đi cùng lúc của 2 "hiệp sĩ" đường phố của nhóm Tân Bình. Người dân đang từng giờ từng phút trông chờ vào việc trừng trị thích đáng những kẻ dã tâm sát hại những con người tử tế như thế.
Chân dung "hiệp sĩ"
Những "hiệp sĩ" vừa mới ra đi và những đồng nghiệp của họ thực sự đáng để người dân tôn vinh và kính trọng vì sự nghĩa hiệp, vì sự bình an của thành phố. Người dân thành phố này yêu quý họ lắm mới tôn vinh họ là "hiệp sĩ" - một tước hiệu cao quý mà chỉ có vua mới có quyền ban tặng ở các nước châu Âu vào thời phong kiến; vốn chỉ dành cho những người can đảm, trọng nghĩa và dám xả thân bất vụ lợi cho người khác. Hơn thế nữa, "hiệp sĩ" còn gắn với một hình ảnh những chàng trai lãng tử. Những nhóm "hiệp sĩ" như thế xuất hiện cách nay gần 10 năm, ban đầu ở Bình Dương sau đó lan ra nhiều tỉnh - thành ở Nam Bộ; ở TP HCM hiện có đến hàng chục nhóm "hiệp sĩ". Không ít người trong chúng ta nhờ sự giúp đỡ của các "hiệp sĩ" mà giữ được tính mạng và tài sản.
Nhưng việc hành hiệp của họ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đã có không ít người trong họ bị tai nạn, thương tật, bị hư hao tài sản, xe cộ, bị cả vu khống, bị trả thù và cả những hiểu lầm từ xã hội. Sự việc đau lòng đêm 13-5 có lẽ đỉnh điểm của mất mát.
Câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra ở đây là chúng ta có cần những "hiệp sĩ" đường phố như thế nữa hay không? Trong lúc này, câu trả lời chấp nhận được là cần, bởi lẽ TP HCM quá rộng lớn, quá đông dân cư. Thành phố lúc nào cũng thường trực 13 triệu người, trong đó 9 triệu cư trú thường xuyên, 4 triệu là khách du lịch, là người ở bên ngoài ra vào thành phố ngắn hạn để làm ăn, học hành, chữa bệnh.
Mỗi năm, thành phố tiếp tục tăng lên 250.000 người và khách du lịch tăng 17%. Thành phố có hàng trăm ngàn con đường, hẻm phố, như mạng nhện. Với một thành phố như thế, lực lượng công an chưa thể đáp ứng được nhu cầu an ninh, do chỗ thì lực lượng còn mỏng, chỗ chưa thật chuyên nghiệp, trang thiết bị còn thiếu và công tác tổ chức chưa thực tốt.
Dù ghi nhận sự cố gắng và thành quả của công an nhưng rõ ràng những kẻ cướp, kẻ trộm, lưu manh vẫn còn nhiều, ở nhiều nơi chúng lộng hành như chỗ không người khiến cho người dân, nhất là những người già, phụ nữ, người yếu thế bị chúng cướp bóc, trấn lột, gây thiệt hại về tiền của, gây thương vong về thể xác và tổn thương rất lâu dài về tinh thần. Chúng là hình ảnh kinh hoàng!
Trong bối cảnh như thế, những thanh niên nam nữ khỏe mạnh, biết chút võ nghệ, đã tự nguyện tập họp nhau lại cùng làm việc nghĩa hiệp bảo vệ trật tự trị an. Tôi đã tiếp xúc với một vài người trong số họ và nhận ra họ chỉ khác số đông chúng ta là "tấm lòng thiện nguyện", còn ngoài ra không có gì khác và tất nhiên là không lương, không vũ khí, không công cụ hỗ trợ, không có bảo hiểm nhân mạng. Hằng đêm, sau giờ mưu sinh, họ lại cùng ra đường bảo vệ dân lành.
Đã đến lúc cơ quan chức năng của TP HCM phải trả lời câu hỏi là có cần những nhóm "hiệp sĩ" này không? Nếu không cần thì kiên quyết giải tán để trả lại cuộc sống đời thường cho họ và gia đình họ, đồng thời phải nhanh chóng xây dựng cho được một lực lượng công an, cảnh sát, an ninh thực sự mạnh bảo đảm cuộc sống yên lành cho người dân. Còn nếu nhận thấy không đủ sức làm được, còn cần đến lực lượng này thì phải có thái độ ứng xử, chính sách rõ ràng.
“Hiệp sĩ” Trần Văn Hoàng - trưởng nhóm “hiệp sĩ” Tân Bình trong một lần bắt cướp Ảnh: LÊ PHONG
Tổ chức bài bản, duy trì trong thời gian nhất định
Khi chọn câu trả lời "cần hiệp sĩ" thì thành phố cần coi "hiệp sĩ" là cánh tay nối dài của lực lượng công an. Trước hết, họ được nằm trong một tổ chức an ninh bán vũ trang (như ở một số nước không nhiều trong khu vực Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia), được tuyển chọn cẩn thận, được huấn luyện, được học luật, học các kỹ năng đối phó với những kẻ hung hãn có vũ trang, được trang bị vũ khí và trang thiết bị chuyên dụng như máy bộ đàm, roi điện, áo giáp, được đứng trong một đội ngũ có tổ chức chứ không phải là những nhóm rời rạc, tự phát; được trả lương từ quỹ lương do nhân dân đóng góp, có bảo hiểm nhân mạng.
Giá như họ được trang bị loại máy bộ đàm di động, liên thông với các nhóm cảnh sát cơ động, với công an khu vực thì đêm 13-5 vừa qua đã không trở nên tang thương như thế. Chỉ khi đó, người dân, người thân mới yên tâm về họ, bản thân họ tự tin khi làm việc nghĩa và yên tâm với công việc và niềm đam mê mà mình theo đuổi.
Tuy nhiên, trong một định hướng lâu dài, về lực lượng bảo đảm an ninh cho một thành phố lớn, TP HCM phải phát triển như các đô thị trên thế giới ở châu Âu, Bắc Mỹ. Trên quan điểm "chức năng luận", có nghĩa là mỗi bộ phận trong một tổng thể sinh ra để thực hiện phần việc của mình, các bác sĩ có chức năng chữa bệnh, các thầy giáo có chức năng dạy học; tương tự, cảnh sát có chức năng để bảo vệ, duy trì trạng thái bình thường của một địa phương. Họ được đào tạo bài bản, được trang bị đến "tận răng", được người dân trao quyền và được nhận lương từ thuế của người dân thì họ phải làm chuyện đó, không thể "nhượng quyền" hay giao cho những người đang là xe ôm, là công nhân, là người làm thuê độ nhật. Trong lúc lực lượng công an chưa đủ mạnh thì lực lượng "hiệp sĩ" là cần thiết nhưng chỉ nên duy trì trong một thời gian nhất định, không nên coi là lực lượng thường trực vĩnh viễn.
Nhà chức trách đừng lơ lửng nữa!
Cách đây 5 năm, trong một cuộc tọa đàm tại Báo Người Lao Động về tìm thiết chế pháp lý cho "hiệp sĩ" đường phố, người viết bài này đã cảnh báo rằng nhất định có một ngày tai họa sẽ giáng xuống những "hiệp sĩ" và gia đình của họ nếu thái độ nhà chức trách cứ lơ lửng như trước nay. Chỉ với những tờ giấy khen không thôi làm sao mà nuôi dưỡng lâu dài tinh thần nghĩa hiệp của một đội ngũ những người "ra đường thấy chuyện bất bình chẳng tha"?!
• Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang ngày 14-5 quyết định hỗ trợ gia đình 2 “hiệp sĩ” thiệt mạng mỗi nhà 20 triệu đồng; 3 gia đình “hiệp sĩ” bị thương mỗi nhà 5 triệu đồng.
GÓC NHÌN:
Cho tồn tại thì phải theo thiết chế pháp lý
Việc làm của các "hiệp sĩ" là trượng nghĩa, hầu hết vì động cơ không vụ lợi. Trong khi xã hội có rất nhiều phàn nàn về việc thờ ơ với những tiêu cực hiển hiện trên khắp đường phố thì thông tin các "hiệp sĩ" thường xuyên chặn bắt cướp giật khiến người ta có niềm tin và lạc quan về tinh thần xã hội của cư dân các đô thị lớn.
Tuy nhiên, việc các "hiệp sĩ" cùng nhau lập nhóm tự phát - đôi lúc có sự hỗ trợ của lực lượng chức năng địa phương - đã được nhiều người công tác trong ngành pháp luật quan ngại về mặt chính danh và tính pháp lý của nó.
Có cần phải có "tổ chức hiệp sĩ" hay không? Nếu có thì họ sẽ được hỗ trợ như thế nào về mặt nghiệp vụ, tài chính, pháp lý? Căn cứ pháp lý nào để họ hoạt động và được điều chỉnh khi có sự cố xảy ra, chẳng hạn trong quá trình hành hiệp họ có thể vô ý làm chết người hoặc bị tấn công ngược như trường hợp tối 13-5 ở TP HCM?
Rõ ràng, dù là "hiệp sĩ", anh ta vẫn là dân thường, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật như bất cứ một công dân nào. Nếu có sự cố không mong muốn đối với "kẻ cướp", anh ta có thể đi tù vì tội "vô ý làm chết người" chứ không thể tội "làm chết người trong khi thi hành công vụ" hay được miễn tội.
Chính vì là dân thường nên, những "hiệp si"̃ này không thể được trang bị chính thức các nghiệp vụ pháp luật, điều tra, theo dõi và cận chiến với những kẻ túng cùng liều thân như những tên trộm tối 13-5.
Việc các nhóm "hiệp sĩ" ra đời ngày càng nhiều như hiện nay lại không được nhà chức trách quan tâm đúng mực. Công an có nhiều lực lượng chuyên nghiệp có trách nhiệm chặn bắt trộm cướp. Nếu cho phép các tổ chức "hiệp sĩ" tồn tại thì phải có văn bản chính thức, có căn cứ pháp lý rõ ràng về quyền hạn, nghĩa vụ và cả quyền lợi, trách nhiệm nữa.
Còn nếu làm lơ để các đội nhóm "hiệp sĩ" hoạt động là đồng nghĩa với việc khuyến khích bạo lực, băng nhóm và đôi lúc sẽ mất kiểm soát đối với những đội nhóm này.
Luật gia Huỳnh Bách
Bình luận (0)