Hai "hiệp sĩ" bị thiệt mạng khi truy bắt bọn trộm xe SH vào tối 13-5 trên địa bàn phường 10, quận 3, TP HCM, đã hành động dũng cảm trước mũi dao của bọn tội phạm để giành lại tài sản cho người dân. Trong cuộc chiến giữa các "hiệp sĩ" tay không với bọn tội phạm hung hãn có hung khí, dù biết tính mạng của mình sẽ nguy hiểm nhưng các anh đã không cho cái ác ngang nhiên lộng hành; dù biết sau lưng mình là mẹ già con thơ, là người vợ đang chờ ngày làm đám cưới cần sự che chở, đùm bọc. Trước cái ác, các anh chọn sự nguy hiểm về phía mình.
Họ ngã xuống vì sự bình yên của xã hội là một sự hy sinh cao quý, rất đáng được tôn vinh. Nhưng để sự hy sinh của các "hiệp sĩ" không rơi vào quên lãng, không trở nên vô nghĩa hay có những ý kiến trái chiều, cần phải ban hành một khuôn khổ pháp lý cho lực lượng này.
Đây là vấn đề hoàn toàn nghiêm túc, chính đáng cần phải đặt ra vào lúc này - nếu chính quyền TP HCM nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung - xem "hiệp sĩ đường phố" là một trong những lực lượng tham gia vào phong trào phòng chống tội phạm, giữ gìn bình yên của xã hội.
Hàng chục năm qua, người dân TP HCM, Bình Dương quen thuộc với hình ảnh "hiệp sĩ" hằng ngày rong ruổi trên các tuyến đường để ra tay ngăn chặn hành vi bất lương của bọn trộm, cướp, bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân lương thiện. Hành động của các "hiệp sĩ" càng đáng trân quý hơn khi lề thói "mackeno" (mặc kệ nó) - một thái độ vô can, dửng dưng trước cái xấu, cái ác đang diễn ra trước mắt nhưng không làm hại đến chính bản thân mình - của không ít cư dân ở những đô thị lớn dần trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".
Ở Bình Dương, các nhóm "hiệp sĩ" tổ chức quy củ hơn, được chính quyền thừa nhận thông qua mô hình "Câu lạc bộ phòng chống tội phạm" (CLB), có quy chế hoạt động do Công an tỉnh ban hành. "Hiệp sĩ" khi tham gia CLB được huấn luyện bài bản về kỹ năng bắt tội phạm, kiến thức pháp luật cơ bản, phạm vi hoạt động và quyền hạn, trách nhiệm của họ. Nhưng đó cũng chỉ là khung pháp lý gói gọn trong một địa phương, chỉ thực thi riêng ở Bình Dương.
Với TP HCM, các nhóm, đội "hiệp sĩ" hoạt động mang tính tự giác, tự phát, chính quyền không phủ nhận nhưng cũng chưa có cơ chế, quy chế để họ hoạt động như ở Bình Dương. Vì vậy, họ có "danh" do xã hội tôn vinh nhưng không đuợc pháp luật bảo vệ, không có bất cứ vũ khí nào - từ cơ sở pháp lý đến việc trang bị các phương tiện cần thiết - để tự vệ.
Một khi tham gia truy bắt tội phạm, không chỉ có lòng nhiệt huyết là đủ mà "hiệp sĩ đường phố" phải được trang bị kiến thức về pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống để tự bảo vệ mình, bảo vệ cả người xung quanh; bảo đảm các chứng cứ, dấu vết về tội phạm nhằm phục vụ công tác điều tra của cơ quan chức năng.
Đến thăm các "hiệp sĩ" bị trọng thương đang điều trị tại bệnh viện vào ngày 14-5, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ làm việc với Công an TP để tìm biện pháp bảo vệ các "hiệp sĩ" không quản nguy hiểm, xả thân bảo vệ bình yên cho người dân. Lời cam kết của người đứng đầu chính quyền TP đã thể hiện quan điểm rõ ràng hơn đối với loại hình "hiệp sĩ đường phố".
Bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang là trách nhiệm của mọi công dân, trong đó có các "hiệp sĩ". Vì thế, đừng để họ đơn độc trước bọn tội phạm ngày càng hung hãn, manh động.
Bình luận (0)