xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hiểu đúng về lễ hội

Nguyễn Trương Quý

Lễ hội dân gian chỉ đúng bản chất khi ở trong cộng đồng bản địa đã dựng nên chúng

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó hơn 90% là lễ hội dân gian và tôn giáo. Trước đây, đại đa số lễ hội chỉ ở phạm vi các làng xã, ít được biết đến. Giờ đây, nhờ việc truyền thông phong phú, sự đại chúng hóa và quy mô hóa lễ hội đã gây nhiễu.

Sự thực hành đức tin

Cứ mỗi dịp Tết đến, câu chuyện lộn xộn ở các lễ hội lại trở thành mối bận tâm của xã hội. Người ta chỉ trích các thói xấu của người Việt ở lễ hội, buồn nản với sự xuống cấp của phong hóa và ước ao một nền nếp bình an “như ngày xưa”. Điều đáng nói, những lễ hội chướng tai gai mắt nhất lại là những lễ hội cấp quốc gia và oái oăm thay, có sự tổ chức của địa phương và tham gia của quan chức.

Có ý kiến cho rằng lễ hội có màu sắc tín ngưỡng là biểu hiện của việc dựa dẫm thánh thần, như thế là không tiến bộ, không “đi lên” được. Tuy nhiên, cần nhớ rằng các dân tộc và cộng đồng với sự phụng thờ tín ngưỡng của mình trong lịch sử vẫn “tiến bộ”, chứ không chỉ mỗi thời hiện đại mới có sự phát triển nhờ vào khoa học. Ngay ở những xã hội công nghiệp phát triển, những vấn đề về tôn giáo vẫn là mối bận tâm, chẳng hạn người Mỹ vẫn sử dụng kinh thánh và trong quốc ca cũng như trên tờ USD, họ dùng câu “In God we trust” (Chúng ta tin vào Chúa/Thượng đế). Câu tiêu ngữ này mới được chọn in lên đồng tiền vào năm 1956. Chúng ta khó mà nói rằng nước Mỹ lạc hậu vì tin vào thế lực siêu nhiên. Vì vậy, vấn đề ở đây là sự thực hành đức tin và dung nạp các tư tưởng khác biệt.

Lễ hội tịch điền ở Hà Nam Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Lễ hội tịch điền ở Hà Nam Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra tín ngưỡng chỉ là phần siêu hình nằm trong “lễ” mà nhiều khi bị phai nhạt qua năm tháng. Trong khi đó, các thực hành văn hóa của phần “hội” mới là sự tăng trưởng về đời sống tinh thần của cộng đồng. Việt Nam và nhiều quốc gia không có truyền thống đón năm mới vào ngày đầu năm dương lịch nhưng rõ ràng do quá trình giao lưu toàn cầu, gần như ngày này đã trở thành ngày nghỉ quốc gia và quốc lễ thống nhất trên thế giới. Thậm chí, người Việt còn Việt hóa bằng cái tên “Tết dương lịch” và thu hút đông đảo người tham gia các hoạt động vui chơi.

Sức mạnh đất nước không nằm ở lễ hội

Lễ hội đồng nghĩa với vui vẻ và cuốn hút đám đông. Vậy, vì đâu nhiều lễ hội dân gian của nước ta lại không có gì vui vẻ, thậm chí trở thành đáng sợ và là nơi chứng kiến những hành vi xấu xí của đám đông đến thế?

Mục đích nguyên thủy của những nghi lễ là tôn vinh những đấng tiền nhân, đồng thời cầu các thế lực siêu nhiên các điều có lợi cho sự sinh tồn của con người, chẳng hạn như phúc, lộc, thọ. Còn mục đích của hội hè là thoát thai từ những nghi thức trình diễn thờ phụng thành các trò mua vui, giải trí cho cộng đồng.

Thế nhưng, khi các lễ hội dân gian bị quan phương hóa, bảo tàng hóa, các lễ hội lâm vào cảnh chỉ còn là những màn trình diễn “chết”. Lễ hội dân gian chỉ đúng bản chất khi ở trong cộng đồng bản địa đã dựng nên chúng. Một bài học rất rõ là câu chuyện quan họ Bắc Ninh. Quan họ là một sự giao lưu giữa các cộng đồng làng xã trong phạm vi một tỉnh nhỏ như Bắc Ninh. Không nhạc đệm, không sân khấu, các bài ca là sự tương tác giữa liền anh, liền chị ở những sân nhà quan viên hai họ, những góc sân đình hay dặm ngõ trong làng. Sự nguyên bản và linh hồn của quan họ thuộc về “quan họ làng” nhưng khi lên “tuyến trên” thành “quan họ đoàn” và “quan họ đài” thì chỉ còn là những màn biểu diễn công cộng, thậm chí phụ trợ bởi sân khấu hộp Tây phương, không còn tính chất tương tác của một lễ hội dân gian nữa.

Đám đông luôn mưu cầu những lợi ích họ thấy từ các cấu trúc thượng tầng xã hội. Ở các lễ hội, các cấu trúc này là những định nghĩa về tư tưởng và vật chất của các nghi lễ. Rõ ràng, mấy trăm năm sử sách không có ghi chép chuyện sờ đầu rùa đội bia Văn Miếu để lấy may trong đường học vấn. Vậy mà áp lực về bằng cấp khiến người ta nảy sinh ý tưởng sờ đầu rùa để đổ xô tới thực hiện những hành vi rất mù mờ về hiệu ứng. Có thể kể ra hàng trăm “truyền thống mới” được đẻ ra gần đây, như thói đặt bằng được những đồng tiền lẻ lên ban thờ Phật hoặc gài vào tượng thờ trong chùa để cầu may hay chuyện phát ấn cầu về quan lộ.

Các nghi thức mô phỏng hành vi của các vua chúa hay vương triều xưa như lễ tịch điền hay lễ tế Nam Giao chỉ nên coi là những hành vi có tính biểu trưng nhằm tri ân các thế hệ trước hoặc cố kết một cảm thức dân tộc, chứ tuyệt nhiên chúng không thể làm nên một sức mạnh thực tế. Bởi, sức mạnh thật sự của đất nước nằm ở những bàn tay làm việc và trí óc biết suy nghĩ của hơn 90 triệu người dân trong suốt 300 ngày làm việc chứ không chỉ ở 18 ngày nghỉ lễ Tết.

Dù nhìn ở góc độ nào, lễ và hội cũng đều là sự biện chứng của nhu cầu sinh sống của một xã hội.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-2

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo