xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hình phạt nào cho học sinh mắc lỗi?

Đặng Trinh

Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, nhiều nhà giáo hiện nay đang nhầm lẫn giữa kỷ luật và trừng phạt học sinh

Giữa lúc dư luận vẫn đang bàng hoàng với những hình phạt phản cảm, phản sư phạm của một số giáo viên (GV), như phạt học sinh (HS) uống nước giặt giẻ lau bảng, dọa phạt HS ngậm dép nếu còn nói chuyện trong lớp... thì tại Trường THPT Hùng Vương (tỉnh Lâm Đồng), việc xử phạt của ban giám hiệu đối với HS vi phạm kỷ luật lại nhận được sự đồng tình của HS, phụ huynh và xã hội.

Kỷ luật khác trừng phạt

Do không bỏ rác đúng nơi quy định, nhiều HS Trường THPT Hùng Vương bị ban giám hiệu yêu cầu sơn, lót nền lại những bậc cầu thang trong sân trường. Nhiều bậc thang cũ kỹ đã được khoác lên mình những màu sắc sặc sỡ, tươi vui, trở thành thiên đường "sống ảo", là nơi các HS trong trường đến chụp hình khiến HS bị phạt cũng nhận ra lao động của mình thực sự có ích nên tỏ ra vui vẻ, thoải mái sau khi chấp hành hình phạt.

Cũng là hình thức kỷ luật nhưng vì sao có những hình phạt của GV khiến dư luận phẫn nộ và ngược lại, có những hình phạt nhận được nhiều lời khen, sự ủng hộ của xã hội? Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, nhiều nhà giáo hiện nay đang nhầm lẫn giữa kỷ luật và trừng phạt. Kỷ luật HS là để giúp các em nhận ra lỗi lầm, điều chỉnh lại hành vi nhưng vẫn không mất đi sự tự tin. Tức là việc kỷ luật giúp HS hiểu em vẫn là người tốt, chỉ có hành động sai và cần phải sửa chữa hành động này. Ngược lại, trừng phạt là những biện pháp gây xúc phạm, áp lực, đau đớn cho người bị phạt về thể chất và tinh thần khiến họ sợ hoặc xấu hổ nhưng vẫn không thể nhận ra mình đã làm gì sai và lần sau nên hành xử như thế nào cho đúng. Nếu người thầy không phân biệt rõ 2 khái niệm này thì dễ biến HS thành đối tượng để trừng phạt, phản giáo dục, gây tổn thương cho HS của mình.

Hình phạt nào cho học sinh mắc lỗi? - Ảnh 1.

Minh họa: KHỀU

Mưa dầm thấm lâu

Quy định về khen thưởng, kỷ luật HS được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cách đây gần 30 năm đã quá lạc hậu và không còn phù hợp với môi trường giáo dục hiện đại. Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng thay vì tất cả trông chờ vào một quy định thì nên tìm kiếm những hình thức kỷ luật khiến HS và phụ huynh tâm phục khẩu phục.

Cô Tô Thụy Diễm Quyên, người sáng lập Diễn đàn GV sáng tạo, cho biết phạt HS nếu không đúng cách dễ biến một đứa trẻ trở thành tội phạm bởi vì dấu ấn của hình phạt sẽ mãi ở trong tâm trí trẻ. Không có HS hư, chỉ có những người thầy không có phương pháp giáo dục. Những hình phạt nhẹ nhàng sẽ giúp HS có sự tự tin, thông qua việc kỷ luật, các em làm được những việc có ích cho lớp học, nhà trường và chính bản thân các em. Chẳng hạn, nếu HS nói chuyện riêng trong lớp thì phạt các em phải dọn vệ sinh lớp học hoặc trồng cây xanh cho nhà trường… Sau khi các em chấp hành xong, phải khen các em thực hiện tốt, có những việc làm có ích.

Ở một góc độ khác, ông Trần Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết giáo dục HS tưởng khó nhưng sẽ đơn giản nếu xem các em như con, em ở nhà. Người thầy nên làm từng bước, chậm rãi, mưa dầm thấm lâu bởi các em đang ở độ tuổi dễ sai, hiếu động, cần kiên trì nhắc nhở, uốn nắn thường xuyên. Tất cả biện pháp dù mạnh tay thế nào mà không xuất phát từ đặc điểm tâm lý của các em đều là "dục tốc bất đạt". Một hướng giáo dục hiệu quả là tăng cường các biện pháp như sinh hoạt ngoài trời, đội nhóm. Khi các em bận rộn hoạt động sẽ không còn thời gian nghịch phá. Hạn chế tối đa và tránh trừng phạt khắc nghiệt hoặc xúc phạm đến thân thể hay nhân phẩm của HS. Trường học nào cũng có nội quy, ngành có quy chế, luật có các điều khoản, chúng ta hãy xử lý HS theo các nguyên tắc đó. 

Phản tác dụng nếu phạt cứng nhắc

Theo TS Võ Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM, hiện vẫn có một bộ phận GV áp dụng các hình phạt cứng nhắc mà thời gian qua phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh, nhất là hình phạt xâm phạm đến thân thể của HS, dùng đòn roi, hù dọa rồi các hình phạt về tinh thần như la mắng, miệt thị… Đây đều là những hình phạt không mang tính giáo dục, nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý HS, khiến các em mất tự tin trong học tập, xa lánh bạn bè vì xấu hổ, lâu dần có thái độ thù hằn, coi thường GV.

Thông tư 08 chưa hợp lý

Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 08 ban hành từ năm 1988 để khen thưởng, kỷ luật HS. Thực tế văn bản này bộc lộ rất nhiều điểm không hợp lý. Những lỗi nhẹ cũng có thể bị đưa ra cảnh cáo toàn lớp, toàn trường là đi ngược xu hướng gia tăng sự tôn trọng trẻ. Mặt khác, những lỗi nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì thông tư này hướng dẫn đuổi học có thời hạn là không có ý nghĩa thực tiễn. Chẳng hạn, có nhiều hành vi đặc biệt nghiêm trọng như cướp giật, dùng hung khí gây thương tích..., nếu HS từ 14 tuổi trở lên thì đã phải chịu trách nhiệm hình sự nên nhà trường lúc đó có muốn áp dụng đuổi học 1 năm cũng chẳng được. Thông thường, các trường chỉ dựa vào hướng dẫn của văn bản này và cho ra quy định nội quy với các hình phạt cụ thể hơn cho trường mình. Hình phạt cũng rất phong phú, đa dạng, chính vì thế mới nảy sinh chuyện có những hình phạt vi phạm nguyên tắc của ngành, chuẩn mực đạo đức của nghề. Phần lớn các sai phạm này đều phản ánh năng lực sư phạm yếu kém của GV, bao gồm cả năng lực dạy học lẫn quản lý lớp học.

L.Thoa

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo