xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hình phạt nào cho học sinh mắc lỗi?: Ưu tiên uốn nắn, giáo dục

ThS Nguyễn Duy Hải, Phó trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Hiến

Nên áp dụng các biện pháp xử phạt có tính giáo dục, nhân văn hơn là các quy định giáo điều, khô cứng trong môi trường giáo dục

Hiện nay, dư luận hết sức quan tâm về các hình thức xử phạt của giáo viên (GV) dành cho học sinh (HS) có hành vi ứng xử chưa đúng mực. Các hình thức xử phạt có thể kể ra như: Phạt đứng ở góc lớp, chép bài nhiều lần, thông báo cho phụ huynh (PH). Nặng hơn một chút, GV có thể yêu cầu HS làm vệ sinh lớp, lao động công ích trong trường, bêu riếu trước lớp hoặc trước sân trường, đánh đòn vào tay hay vào mông. Thậm chí, một số GV còn dùng các hình phạt gây bức xúc dư luận như: bắt HS uống nước giẻ lau bảng, ngậm dép...

Nên giữ liên lạc chặt chẽ với gia đình

HS vẫn chỉ là những người trẻ, nhân cách chưa được định hình, sự thấu hiểu về các chuẩn mực đạo lý và pháp luật còn hạn chế. Do đó, việc ưu tiên uốn nắn, giáo dục (GD) cần được xem trọng hơn là áp đặt các hình thức xử phạt quá cứng rắn, gây tổn thương tâm lý và thể chất đối với các em. Việc áp dụng các hình thức xử phạt như quỳ gối trước lớp, trước sân trường hay bêu riếu trước đám đông (thầy cô và bạn bè) sẽ làm cho HS đau đớn về tâm lý. Trẻ sẽ cảm thấy mặc cảm, tự ti, thiếu tự tin trong giao tiếp giống như một người có "tiền án tiền sự" hay thậm chí là "khác người" trong trường lớp. Đau đớn hơn, đối với một số trẻ, đây là một nỗi nhục không thể gột rửa, khiến cho trẻ không muốn đi học, ám ảnh khi đến trường hoặc xấu hơn, trẻ sẽ phản ứng một cách tiêu cực với bản thân (tự tử, giày vò thể xác, không muốn giao tiếp) hoặc dùng các biện pháp bạo lực để phản kháng.

Chính vì vậy, nhà trường nói chung và thầy cô nói riêng cần có các biện pháp GD HS có vấn đề một cách khéo léo, tránh làm tổn thương về thể chất và tâm lý của các em. Trước hết, nhà trường cần có một phòng tham vấn tâm lý với đội ngũ chuyên viên có khả năng tham vấn, trị liệu tâm lý, biết trò chuyện, khuyên nhủ HS, giúp các em thấy được những hành vi sai trái của mình và tự nguyện khắc phục.

Bên cạnh đó, nhà trường cần thiết lập một kênh liên lạc chặt chẽ với gia đình để cùng với PH đưa ra các biện pháp GD phù hợp nhất. Điều này cũng giúp PH thấu hiểu hơn với nhà trường trong công tác GD HS, tránh các bức xúc, phản ứng tiêu cực của gia đình khi con em họ bị nhà trường xử phạt.

Hình phạt nào cho học sinh mắc lỗi?: Ưu tiên uốn nắn, giáo dục - Ảnh 1.

Học sinh cần sự định hướng, thấu hiểu, uốn nắn hơn là áp đặt các hình thức xử phạt quá cứng rắn. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Tấn Thạnh

Đừng giáo điều, khô cứng

Tuổi trẻ thường năng động, nhà trường nên áp dụng các biện pháp xử phạt có tính hoạt động nhóm, có tính vận động, có sự cảm nhận ý nghĩa hơn là các biện pháp gây căng thẳng về tâm lý, tổn thương thể xác. Điển hình, yêu cầu HS xem những bộ phim (hoặc nghe những bài hát) có tính GD cao về hành vi ứng xử, mối quan hệ giữa thầy và trò, bạn bè trong môi trường giáo dục. Từ đó, yêu cầu HS viết một bài cảm nhận và tự rút ra bài học cho mình. Tất nhiên, nhà trường phải trang bị những phòng chiếu phim, nghe nhạc chuẩn mực, PH chịu trách nhiệm chi trả một khoản kinh phí nào đó khi con em họ bị xử phạt bằng hình thức này.

Ngoài ra, có thể tổ chức những đợt sinh hoạt tập thể, có GV là hướng đạo sinh lành nghề trong công tác GD kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử. Những đợt sinh hoạt tập thể này có thể là cắm trại, HS được giao một nhiệm vụ nào đó để hướng đến tính hoạt động nhóm, tính tương trợ, sự thông minh, tính kỷ luật, sự tự lực hay khả năng thấu hiểu người khác. Từ đó, giúp HS gần gũi hơn với thầy cô, bạn bè, sẵn sàng tuân thủ các nguyên tắc chung hơn là hành động theo sở thích cá nhân.

Việc xử lý HS có lỗi thường được áp dụng như vệ sinh trường lớp, trang trí các hạng mục trong trường học hay tham gia trồng cây... cũng là một hình thức xử phạt đáng cân nhắc. Bởi vì, HS được tham gia vận động cùng bạn bè và thầy cô, tạo ra các sản phẩm có ích, hiểu được ý nghĩa của những hành động và quan trọng là các em thấy mình có giá trị với cộng đồng.

Những biện pháp kể trên mang đến những liệu pháp tâm lý, có tính nhân văn hơn là các quy định giáo điều, khô cứng trong môi trường GD. Quan trọng hơn cả, HS sẽ thấy được khi bản thân mắc lỗi lầm sẽ được nhà trường, thầy cô, gia đình bạn bè tha thứ, chứ không phải sự trả giá cho những hành vi của mình. Các em sẽ không phải mang những mặc cảm, tự ti khi đến trường, những vết thương thể chất và tinh thần sẽ không còn trong tâm trí các em và thầy cô cũng sẽ không mang tiếng "ác" trong việc áp dụng những hình phạt với các em. 

Một số hình thức xử lý HS cá biệt trên thế giới

Ở Mỹ và Canada, các biện pháp được đưa ra như: GV trao đổi, tâm sự với HS cá biệt hoặc đưa đến phòng giám thị trò chuyện để tìm hiểu nguyên nhân, định hướng những hành vi và lời nói sao cho chuẩn mực với quy định của nhà trường. Hoặc có thể, GV đề nghị HS lao động công ích ở trường, hạn chế các sinh hoạt chung ở một khoảng thời gian nhất định. Những trường hợp nặng hơn, GV có thể đề nghị ban giám hiệu đình chỉ học tập hay chuyển trường.

Ở châu Âu, các nước như Anh và Đức, GV cũng có các biện pháp xử lý tương tự như trên và cũng bám lấy phương châm trò chuyện, trao đổi, phân tích cho HS về những điều sai trái, các biện pháp bạo lực không bao giờ được khuyến khích. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức một số khóa học về kỹ năng ứng xử, các lớp học về tâm lý để giúp HS tôn trọng GV và bạn bè.

Ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, việc sử dụng hình phạt với HS có lỗi không đơn thuần là trò chuyện, lao động công ích hay cấm túc. Luật GD ở một số quốc gia cho phép GV sử dụng đòn roi ở mức độ nhất định đối với các trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều có phòng tham vấn tâm lý để giúp đỡ HS có vấn đề. Việc uốn nắn tâm lý giúp HS đi vào khuôn phép, nhận ra các lỗi lầm vẫn được ưu tiên hơn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo