Khi được hỏi, đa số sinh viên (SV) đều cho rằng phạt học sinh (HS) vi phạm kỷ luật là cần thiết, qua đó tập cho các em biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, hình phạt phải mang tính giáo dục, giúp HS ý thức tốt hơn sau khi bị phạt chứ không phải để thỏa mãn sự bực tức của giáo viên (GV).
Trách phạt là cần thiết
SV Trường ĐH Sư phạm TP HCM Nguyễn Thị Hậu rất tán đồng với những biện pháp xử phạt mang lại sự hứng khởi cho HS. Hậu kể qua thời gian thực tập, cô học được kinh nghiệm có thể dùng cách cộng hoặc trừ điểm để phạt HS. "Đối với HS cấp 2, 3 đã có tính tự chủ, cái tôi cá nhân nên cần phải tôn trọng, chọn biện pháp trách phạt phù hợp lứa tuổi này" - Hậu nói và cho rằng ở cấp càng thấp, tần suất nhắc nhở và hướng dẫn càng nhiều, kỹ càng hơn. Việc trách mắng nặng nề hoặc dùng vũ lực sẽ khiến HS nhút nhát càng rụt rè, trẻ bướng càng chống đối.
Trong khi đó, anh Đạt (học viên cao học toán Trường ĐH Sư phạm TP HCM) nêu quan điểm trách phạt khi HS mắc lỗi là điều cần thiết. Tuy nhiên, anh Đạt khẳng định người thầy không thể dùng đòn roi như ngày xưa, vừa không mang đến hiệu quả giáo dục vừa dễ khiến phụ huynh bức xúc, gây ra những điều không hay trong thời buổi xã hội nhạy cảm với các vấn đề giáo dục như hiện nay. "Hình phạt đối với HS mắc lỗi là cần thiết và cần có các chuyên gia soạn giáo trình hình phạt thích hợp đối với từng lứa tuổi. Đối với học sinh cấp 2, 3, tôi sẽ phạt các em làm những việc gây mất thời gian như nhặt lá, quét dọn, làm toán... để suy nghĩ về hành vi của mình" - học viên này cho hay.
Còn theo SV N.T.Q (Trường ĐH Ngoại thương), trách phạt cũng là một trong những phương pháp giáo dục HS nhưng trước khi áp dụng phương pháp này, thầy cô nên tự đặt mình vào tình thế khó khăn của HS; cân nhắc kỹ nguyên nhân, hoàn cảnh, diễn biến của sai phạm, đặc điểm tâm lý, tính cách của đối tượng... "Dù dùng biện pháp xử phạt nào thì cũng phải xuất phát từ lòng yêu thương, hướng tới việc để HS nhận ra lỗi lầm và tìm cách sửa chữa. Lạm dụng trách phạt hoặc trách phạt quá nặng, thiếu khách quan, không công bằng có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc. Năm đầu cấp 3, tôi đã phạm một sai lầm và may mắn gặp được thầy chủ nhiệm dạy toán đã giúp tôi nhận ra sai lầm để từ đó, vì yêu quý thầy, tôi đã dần học giỏi môn toán" - Q. kể.
Trách phạt học sinh phạm lỗi là cần thiết nhưng phải có phương pháp phù hợp lứa tuổi, đối tượng và không được xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Tấn Thạnh
Cân nhắc từng đối tượng
Dưới góc nhìn của các chuyên gia cũng như thầy cô đã có kinh nghiệm giảng dạy thực tế, việc áp dụng hình phạt đối với HS không hề đơn giản. Cô Nguyễn Thị Thuyền, GV môn văn Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), cho biết việc áp dụng hình phạt cần dựa trên sự cân nhắc đối với từng đối tượng, lứa tuổi, môi trường giáo dục. Đối với những lỗi nhỏ thuộc về ý thức như nói chuyện trong lớp, mất vệ sinh, ngổ ngáo..., GV chỉ nên nhắc nhở nhẹ nhàng, nếu vẫn tái phạm thì yêu cầu làm bảng kiểm điểm. Ngoài ra, GV có thể phạt HS lao động công ích, thực hiện các công trình như trồng cây, chăm sóc góc sân vườn... "Đối với lỗi thuộc về năng lực, trí tuệ, GV cần hành xử bao dung, nhân văn; tuyệt đối không đánh đập, không đòi hỏi nhiều mà nên tạo cơ hội cho các em có điểm; tạo sự hứng thú, khuyến khích học tập" - cô Thuyền lưu ý.
Đối với các lỗi thể hiện cái tôi, đẳng cấp, cá tính như xăm hình, trang điểm đậm, nhuộm tóc..., GV không nên nói trước lớp gây mất thời gian, chạm tự ái HS. "Nên gặp riêng các em để giải thích, đồng thời khéo léo liên hệ điều kiện kinh tế gia đình, vị trí, nhiệm vụ của HS. Trong lúc nhắc nhở, GV cần dùng những từ ngữ, giọng điệu nhẹ nhàng, không xúc phạm nhân phẩm, thân thể khiến các em xấu hổ dẫn tới hành động đáng tiếc" - cô Thuyền nói.
ThS Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Khoa Khoa học giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP HCM, nhìn nhận HS có một số hành vi không phù hợp không có nghĩa là hư hỏng mà đơn giản hành vi đó không đúng lúc, đúng chỗ. Vì vậy, không phải hành vi không phù hợp nào của HS cũng cần phải biến nó thành sự vi phạm nghiêm trọng và phải trừng phạt. GV chỉ cần giải thích, thuyết phục để HS điều chỉnh cho đúng quy định hoặc liên hệ phụ huynh giúp các em làm điều đó. Nói khác hơn, những chiến lược này đều là điều chỉnh bằng cách hỗ trợ hơn là trừng phạt. Ví dụ, HS nói quá to, át tiếng GV thì GV có thể mời em đứng dậy nhắc lại nội dung vừa giảng cho cả lớp nghe lại. Nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Không nhất thiết phải đuổi HS ra khỏi lớp hay dùng lời lẽ nặng nề. Có khi đơn giản GV chỉ cần bước xuống vỗ vai HS và ra dấu im lặng" - ThS Huyền gợi ý.
Đi kèm với bất cứ hướng xử lý nào, GV cũng không được nhục mạ, mắng chửi HS mà chỉ giải thích vì sao các hành vi đó không được chấp nhận, hậu quả của việc không tuân thủ là gì.
Bình luận (0)