Sau 1 tuần tiếp nhận thông tin, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, kinh hãi về mức độ tàn bạo của vụ thảm sát 6 người ở tỉnh Bình Phước. Là người có nhân thân tốt, gia đình căn bản, có trình độ nhất định, không tiền án tiền sự... nhưng hung thủ vẫn xuống tay một cách tàn độc với nạn nhân - những người từng yêu thương mình. Có phải cái ác ngày càng lộng hành?
Giáo dục là căn cơ
Hội tụ tất cả yếu tố để có thể trở thành một người tốt, vậy tại sao hung thủ lại chọn con đường phạm tội? Đây là câu hỏi mà ai cũng thắc mắc khi biết rõ nhân thân của bị can. Trước khi hành động, hung thủ chỉ nghĩ không yêu được thì giết bỏ mà không hề nghĩ đến hậu quả bản thân và gia đình phải gánh chịu sau này. Trên thực tế, nhiều vụ án hình sự xảy ra ở những địa phương khác, không ít bị cáo và gia đình nằm trong trường hợp này.
Vũ Kim An bị TAND TP HCM tuyên tử hình về tội giết người, cướp tài sản vào ngày 12-6Ảnh: Phạm Dũng
Đúng như nhiều chuyên gia từng phân tích, gốc rễ của tình trạng này nằm ở vấn đề giáo dục. Dường như ngay từ trong gia đình và nhà trường, việc giáo dục đạo đức đang dần bị buông lơi. Đối với thế hệ trẻ, môn giáo dục công dân chỉ đơn thuần là môn học phụ, không quan trọng bằng toán, lý, hóa... Cả thầy và trò đều không nghĩ đó là môn học về đạo đức, về cách làm người. Cả phụ huynh lẫn thầy cô hầu như chỉ mong con em mình học tốt các môn cơ bản để lên lớp, vào đại học mà ít chú tâm các môn xã hội, liên quan đến đạo đức, lối sống của các em. Lời dạy “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn được treo ở các phòng học nhưng không đi vào lòng thế hệ học sinh sau này.
Như vậy, nếu giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của thực trạng (là giáo dục) thì vấn đề ngăn ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm sẽ có chuyển biến lớn, tích cực.
Nghiêm minh từ cấp cơ sở
Hệ thống luật pháp nước ta đang tích cực tiếp thu xu thế chung của thế giới. Trong tương lai không xa, cơ quan tố tụng sẽ được xây dựng lại để đáp ứng tiêu chí nhanh chóng, kịp thời, chống oan sai. Hệ thống tòa án cấp khu vực, cấp cao, Hội đồng Thẩm phán của TAND Tối cao sẽ giúp việc thực thi pháp luật nhanh chóng, nghiêm minh hơn, từ đó kịp thời phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn thờ ơ, né tránh việc đấu tranh với tội phạm. Không ít người ra đường thấy móc túi không dám tố giác, thấy đánh nhau không dám can ngăn vì sợ trả thù, lo không có ai bảo vệ mình...
Để hạn chế, ngăn ngừa tội phạm, hệ thống quản lý từ cấp cơ sở (phường, xã) cần hoạt động thực chất, trách nhiệm. Cơ quan chức năng nên quản lý chặt địa bàn, xử lý nghiêm, thấu tình đạt lý những vụ việc dù là nhỏ nhất, kể cả dân sự và hình sự, để tạo niềm tin trong quần chúng. Khi đã tin tưởng, nhân dân sẽ không ngần ngại chung tay với cơ quan nhà nước để bảo vệ bình yên cuộc sống của mình. Việc cơ quan công an nhanh chóng tìm ra nghi can giết người ở Bình Phước nhờ nhiều tin nhắn, thông tin từ người dân là ví dụ điển hình nhất.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-7
Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Thanh Thanh:
Nâng hiệu quả phòng ngừa, trấn áp tội phạm
Thời gian qua, rất nhiều trường hợp tội phạm sử dụng ma túy và những chất kích thích mạnh. Khi đó, mọi hành động của người phạm tội đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ý thức. Mức độ hậu quả gây ra cho xã hội của các loại tội phạm này là vô cùng lớn. Vấn đề cấp bách đặt ra là cần có các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, trấn áp, răn đe, đẩy lùi tội phạm, đấu tranh tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. Lực lượng cảnh sát cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, các cấp, ngành nhằm ngăn chặn loại tội phạm này. Bên cạnh đó, tăng cường biện pháp tuần tra, kiểm soát, đấu tranh triệt xóa các băng, nhóm côn đồ, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”... Ngoài ra, cần bổ sung một số tội danh, mức hình phạt mang tính răn đe cao đối với những tội phạm manh động, xem thường tính mạng con người.
Bình luận (0)