Là phụ huynh (PH) có con đang học ở bậc THCS, tôi thực sự bất ngờ trước quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đồng ý cho học sinh (HS) được sử dụng điện thoại trong giờ học dù biết rằng phải được phép của giáo viên (GV). Bởi lâu nay, việc HS đem theo điện thoại đi học luôn là vấn đề nan giải đối với thầy cô giáo.
Có thật cần thiết?
Tại trường con tôi đang theo học, HS không được sử dụng điện thoại trong khuôn viên của trường. Có một điện thoại bàn đặt ở phòng quản lý HS để HS liên hệ với PH khi cần. Trường hợp bận việc hay kẹt xe, PH có thể gọi vào số điện thoại này nhờ bảo vệ trông chừng con em mình đến khi đến đón. Nếu phát hiện HS sử dụng điện thoại trong trường học, giám thị sẽ lập biên bản, giữ đến cuối năm học, mời PH vào làm cam kết không tái phạm trước khi nhận lại điện thoại.
Quy định là vậy nhưng thực tế, hầu hết HS đi học đều đem theo điện thoại như vật bất ly thân. Liên lạc với PH thì ít, chủ yếu là để chơi game, chat trong giờ học, truy cập mạng xã hội, thậm chí có cả việc xem phim người lớn. Không ít trường hợp, cả ban giám hiệu, GV chủ nhiệm, giám thị lẫn PH phải tốn thời gian lẫn công sức để giải quyết hệ lụy từ chiếc điện thoại của HS. Cụ thể, buổi họp cuối năm học vừa qua, GV chủ nhiệm lớp con tôi và PH phải dành phần lớn thời gian trong buổi họp để bàn đến việc một HS bị mất điện thoại khi đem theo vào lớp. Dù HS đã vi phạm nội quy của nhà trường khi đem theo điện thoại nhưng PH vẫn hùng hổ đòi truy xét, điều tra thay vì phải chấn chỉnh con mình.
Khó kiểm soát được học sinh dùng điện thoại trong lớp như một công cụ học tập. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH
Không ít PH cho rằng sẽ an tâm hơn khi con đem theo điện thoại nhưng thực tế điện thoại chính là nguồn cơn khiến cha mẹ càng bất an hơn khi con cắp sách đến trường.
Công bằng mà nói, với chiếc điện thoại trên tay, HS sẽ thuận lợi hơn khi tham gia những hình thức học online hay tra cứu thông tin. Việc cho HS học tập với các loại máy móc hiện đại, trong đó có máy tính, máy tính bảng hay điện thoại thông minh, là một nhu cầu tất yếu của giáo dục hiện nay. Nhưng có nhất thiết nên cho HS đem điện thoại vào lớp mới có thể áp dụng được các hình thức dạy học hiện đại?
Phải nghiên cứu kỹ
Trong đợt nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh vừa qua, bên cạnh những thành quả khiêm tốn thì việc học online qua các thiết bị công nghệ đã bộc lộ nhiều bất cập. Bởi ở lứa tuổi THCS, THPT, học online cũng chỉ là một hình thức bổ trợ chứ không thể dựa vào đó để đánh giá HS. Chưa kể có những gia đình không có điều kiện sắm smartphone cho con.
Tham khảo kiến thức, tìm kiếm thông tin chỉ hữu ích khi HS có thời gian, không gian thích hợp. Nếu buộc HS tìm kiếm thông tin như nhau thì vì sao không để GV cùng HS tìm kiếm trên màn hình chung của cả lớp thay vì mỗi em dùng một điện thoại? Internet là cả một thế giới với đủ loại thông tin thượng vàng hạ cám mà ngay đến người lớn còn chưa phân biệt rõ thì với độ tuổi các con, làm sao có thể đạt được kết quả trong giới hạn của một tiết học? Hơn nữa, lâu nay ngành giáo dục có chủ trương "Học thế nào thì thi như vậy", cũng có nghĩa sắp tới HS cũng được quyền mang cả điện thoại vào phòng thi? Ngoài ra, với quyết định này, có lẽ mỗi trường sẽ lãnh thêm trách nhiệm quản lý điện thoại và xử lý các vụ mất mát, kiện tụng.
Việc cho HS sử dụng điện thoại di động dù rằng vì mục đích học tập nhưng cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng, trước hết xem người học và người dạy có thật sự cần hay không, cần tới đâu. Cụ thể hóa những việc HS được phép và không được phép làm với chiếc điện thoại trong giờ học. Nói tóm lại, cần nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc vấn đề này trước khi áp dụng đồng loạt.
Trang bị máy tính dùng chung trong lớp
Cho HS sử dụng điện thoại trong lớp làm công cụ học tập là phương thức học tập hiện đại, cần thiết... nhưng cái cần trước hết là ý thức của người sử dụng. Liệu có bao nhiêu phần trăm HS phổ thông sử dụng đúng mục đích đề ra? Có bao nhiêu HS lâu nay dùng điện thoại như một công cụ học tập? Theo tôi, có lẽ không nhiều!
Tôi làm photocopy, mỗi ngày tiếp xúc với hàng chục HS đến in sao tài liệu. Tôi thấy em nào cũng "kè kè" trên tay điện thoại, thậm chí ngồi vào máy vi tính mở web, mở mail cũng luôn mắt luôn tay bấm... Thoạt đầu, tôi tưởng các em xem tài liệu gì đó, hóa ra chỉ là chat.
Tôi thấy giới trẻ ngày nay (trong đó có HS phổ thông) đang "lậm" smartphone, dành quá nhiều thời gian cho nó, mà chủ yếu là chơi chứ không phải học. Giờ cho phép HS đem điện thoại vào lớp, tôi thấy đáng lo hơn đáng mừng. Không công nghệ hay con người nào có thể kiểm soát được các em sử dụng vào mục đích gì, hỗ trợ hay sao nhãng chuyện học tập.
Theo tôi, nên tiến hành từng bước, như trước hết chỉ cho phép lớp trưởng hay lớp phó học tập sử dụng điện thoại hỗ trợ cho lớp; HS chỉ được sử dụng điện thoại khi được sự cho phép của GV tiết học, đồng nghĩa GV đứng lớp là người có toàn quyền cho hay không cho sử dụng điện thoại. Còn với môi trường học tập thực tế hiện nay, chưa thật sự cần thiết cho HS phổ thông sử dụng điện thoại trong lớp làm công cụ học tập. Chuyện sử dụng công nghệ thông tin, xây dựng phương thức học tập tiến bộ, hiện đại là đúng nhưng trước hết, nếu có thể thì nên trang bị cho mỗi lớp một dàn máy vi tính sử dụng chung hơn là cho mỗi HS tự do "lướt" mạng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy.
Thanh Vân
Bình luận (0)