Bạn đọc Thi Thu nêu ý kiến: "Cho con đem điện thoại đến trường, thầy cô sẽ không thể quản được; bố mẹ thì lo lắng, sẽ không yên tâm làm việc. Suốt ngày ở trong đầu cứ có câu hỏi: "Con có lo học, có quan tâm bài học hay chỉ dùng điện thoại chơi game?". Nếu quyết định này được thực hiện trong nhà trường thì sẽ có nhiều cao thủ game, chất lượng học tập của con em sẽ đi xuống".
Dư luận lo lắng với việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động trong giờ học (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Cùng quan điểm, bạn đọc Lelong băn khoăn: "Vì sao không khảo sát ý kiến phụ huynh, giáo viên về vấn đề này? Thử nghĩ xem một lớp học có 40 học sinh được phép sử dụng điện thoại sẽ rất phiền phức, bình thường quản không nổi, giờ lại thêm điện thoại, giáo viên nào quản cho xiết? Rồi sẽ có hình ảnh, âm thanh "gì đó" của giáo viên, học sinh được tung lên mạng, rồi sẽ có nhiều học sinh bị nghiện game; gia đình và nhà trường sẽ xào xáo vì chuyện này, cha mẹ và con cái sẽ có cự cãi, mệt thêm".
Nhiều bạn đọc khác cũng cho rằng có bao nhiêu học sinh dùng điện thoại như công cụ học tập, phục vụ cho mục đích học tập hay học thì ít mà để chơi game hoặc lên các mạng xã hội xem "tào lao" thì nhiều.
Bạn đọc Nguyen Viet Nam cho biết hiện ở các nước như Mỹ, Canada..., phụ huynh có quyền lựa chọn: Nếu chọn cho con học online, có giáo viên online chuyên trách, thì khỏi đến lớp. Nếu đến lớp học với giáo viên thì phải tập trung nghe giáo viên giảng bài, không có chuyện ngồi trong lớp mà lại tham khảo thông tin từ điện thoại. Muốn tham khảo trên internet thì làm việc này sau giờ lên lớp.
Bạn đọc Công Thành bổ sung thêm: "Lên lớp là phải tư duy để nghe giảng, tranh luận, phát biểu… Dùng điện thoại sẽ rất dễ sa vào việc chơi game, chát, tìm bài giải sẵn và copy dẫn đến lười tư duy, học như thế sao tiến bộ? Không loại trừ sẽ có học sinh tranh thủ Livetream cô giáo, bạn bè, rồi bình luận khiếm nhã…".
Bạn đọc Phan Tấn Quốc đề xuất: "Bộ Giáo dục- Đào tạo nên triển khai thí điểm trước ở một địa phương có mức sống trung bình và cũng chỉ giới hạn ở một khối lớp nào đó; từ đó tổ chức một số hội thảo khoa học cho vấn đề này rồi mới tính đến việc triển khai trên cả nước. Hiện người dân còn nghèo, ngành giáo dục nhiều nơi còn rất thiếu thốn, bản thân ngành giáo dục cũng còn nhiều chính sách cần tiếp tục hoàn chỉnh. Tôi thấy áp dụng Thông tư 32 lúc này là vội vàng, thiếu thuyết phục".
Bạn đọc Mai Hương cũng thẳng thắn: "Bộ Giáo dục- Đào tạo không nên vội vàng áp dụng Thông tư 32, cần nghiên cứu kỹ trước khi đưa ra những quyết sách về giáo dục. Đừng mượn danh đổi mới rồi đẩy trách nhiệm cho phụ huynh và giáo viên. Nội dung của Thông tư 32 nói thẳng là chưa thật cần thiết và phù hợp trong thời điểm này. Đừng quên rằng hiện nay tỉ lệ học sinh bị cận thị, bị nghiện game do lạm dụng dùng điện thoại đang ngày càng báo động".
Bình luận (0)