Báo Người Lao Động ngày 12-5 có bài "Hướng nghiệp và sự thấu hiểu", trong đó phân tích về việc cần thiết tìm hiểu và định hướng công việc từ sớm cũng như định hướng nghề nghiệp cần phải được xem xét thận trọng, dựa trên nền tảng là năng lực, sở trường, sự đam mê.
Điều quan trọng không kém nhưng nhiều khi bị "bỏ quên" chính là phải bám sát thực tế, quan sát, tìm hiểu, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.
Trong vài thập kỷ gần đây, kỹ thuật công nghệ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung đã có những tiến bộ vượt bậc trong khi sách giáo khoa hiện tại vẫn chưa hoàn toàn đi sát với những bước tiến này. Khoảng cách về học thuật cũng như chương trình nghiên cứu ở nước ta còn nhiều cách biệt với các quốc gia phát triển trong khu vực và thế giới nên người học gặp khá nhiều khó khăn khi chuyển tiếp lên bậc cao học ở các nước có nền khoa học phát triển.
Một số hệ thống trường tư thục, cơ sở giáo dục nước ngoài và chương trình liên kết, chương trình đào tạo chuyên biệt tại Việt Nam đã có những ứng dụng rất mới và liên tục cập nhật nội dung giảng dạy. Tuy vậy, nên có sự cải tiến nội dung một cách đồng bộ, liên tục từ nhiều đơn vị giáo dục để học sinh và phụ huynh có thêm sự lựa chọn cho tương lai.
Thế giới liên tục chuyển mình, thị trường lao động toàn cầu ngày càng yêu cầu cao với nhiều ngành nghề phong phú. Hệ thống giáo dục nước nhà cần có chiến lược đào tạo nhân tài bài bản và linh động hơn so với trước, cùng các chương trình hướng nghiệp cho những ngành nghề "cũ người mới ta", thậm chí đi tắt đón đầu chuẩn bị cho sự phát triển của Việt Nam.
Ở độ tuổi từ cấp 1 đến cấp 3, học sinh cần sự dẫn dắt và định hướng không chỉ từ thầy cô mà còn là phụ huynh. Nếu như tiểu học là nền tảng khởi đầu thì THCS là cấp học lấy đà cho những bước đi quan trọng của THPT, sau đó là các trường đại học và tiếp tục duy trì ở bậc cao học. Hành trình này cần sự góp sức, động viên từ nhà trường và gia đình.
Với áp lực bộn bề, thay vì liên tục gò ép con em mình vào hình mẫu lý tưởng, phụ huynh cần giải thích và gợi mở những hướng phát triển nghề nghiệp, tâm sự, động viên trẻ khi cần. Khi hiểu được niềm vui và sự lợi ích của việc mở mang kiến thức, trẻ sẽ tự giác chuẩn bị, có thêm nhiều động lực để đương đầu với những thử thách phía trước.
Bình luận (0)