Với nguồn dữ liệu đa dạng từ internet, mạng xã hội cùng các phương tiện truyền thông, việc tiếp cận các thông tin nói chung và hướng nghiệp cho học sinh nói riêng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy vậy, những phản ứng tiêu cực của các em khi phải đối mặt với vấn đề học hành, thi cử hay phải theo học ngành không thích vẫn đang là vấn đề nhức nhối.
Những sai lầm trong lựa chọn ngành nghề rất đa dạng: không nhìn nhận đúng vai trò của việc lựa chọn nghề nghiệp; chọn nghề không tương thích với năng lực, tính cách; chọn ngành học theo số đông: chịu sự áp đặt của gia đình, sự rủ rê của bạn bè hay những chi phối khách quan khác.
Định hướng sớm sẽ tránh lãng phí
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM năm 2019, tỉ lệ người học chọn sai ngành chiếm khoảng 60%. Đáng nói, có đến 75% người học thừa nhận là thiếu hiểu biết về nghề chọn học.
Cũng vì vậy, nhiều bạn trẻ rơi vào cảnh "dở khóc dở cười", phải bỏ ngang hoặc học lại một ngành khác vì nhận ra không yêu thích ngành đang học. Khá phổ biến là chuyện bản thân không có năng khiếu lẫn sự quan tâm nhưng tiếc thời gian và tiền bạc đã đầu tư học, nghiên cứu nên cố gắng tốt nghiệp, ra trường đi làm không cảm thấy hài lòng với con đường của mình.
Không ít người mất phương hướng khi không biết mình có thể làm tốt việc gì, có cơ hội thăng tiến hay không khiến bản thân mệt mỏi, năng suất làm việc kém, ảnh hưởng đến sự phát triển của đơn vị.
Việc tìm hiểu và định hướng công việc từ sớm không khác gì gieo hạt cho cây tương lai, có thể tránh được sự lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc; tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng thiết lập kế hoạch học tập, xác định các mục tiêu cụ thể để có cách thức phù hợp đạt đến các mục tiêu đó.
Ngoài ra, chọn ngành, chọn trường không phải là chuyện mang tính thời điểm ở ngưỡng cửa tuổi 18 mà thật sự cần được quan tâm, chú trọng từ trước đó, để tránh dồn nén áp lực vào năm cuối cấp, dẫn đến "nhắm mắt chọn đại cho xong".
Học sinh tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tin và ủng hộ quyết định của con
Gia đình là nơi xây dựng nền tảng cho trẻ trước khi bước chân tự lập ngoài xã hội. Thế nhưng, cùng với tình thương yêu, cha mẹ thường kèm vào đó suy nghĩ bắt buộc con cái phải gánh vác luôn ước mơ của thế hệ trước. Mong ước này đôi khi bỏ quên giá trị đích thực của việc hướng nghiệp là chọn nghề phù hợp, để con được thỏa sức sáng tạo và phát huy khả năng.
Định hướng nghề nghiệp cần phải được xem xét thận trọng, dựa trên nền tảng là năng lực, sở trường, sự đam mê cũng như cần quan sát, tìm hiểu, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội, các giá trị mong muốn hướng đến chứ không chỉ nhìn vào mức thu nhập, địa vị.
Là người hiểu rõ tính cách, ưu - nhược điểm của con, cha mẹ hãy giúp con bằng chính vốn sống, kinh nghiệm xã hội; giúp con nhìn nhận khả năng bản thân một cách chính xác và toàn diện. Nếu có thể, hãy chia sẻ những khó khăn và cơ hội để trẻ có được đánh giá tổng quan về lĩnh vực yêu thích.
Ở giai đoạn đưa ra quyết định, cha mẹ phải thể hiện niềm tin và sự ủng hộ đối với quyết định của con. Thế hệ trẻ ngày nay rất năng động và sáng tạo, cùng với bộ kỹ năng mềm được đào tạo ở môi trường giáo dục hiện đại, trẻ hoàn toàn đủ sức để đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với sở thích của mình. Cái thiếu của trẻ chính là sự tự tin, người lớn hãy giúp trẻ có được điều này.
Về phía nhà trường, để việc tư vấn hướng nghiệp bám sát thực tế, nên biết tận dụng thông tin từ cựu học sinh bởi đây là nguồn thông tin bổ ích, đa dạng từ trải nghiệm các bậc học, trường học đến triển vọng cho nhiều ngành nghề khác nhau. Bên cạnh đó, hướng dẫn học sinh cách chắt lọc thông tin từ các trang tuyển dụng, giúp các em hiểu được những kỹ năng cần thiết của ngành nghề để chủ động chuẩn bị, rèn luyện và nâng cao giá trị bản thân.
Gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng nhưng không phải là người quyết định thay. Cần dành sự tôn trọng, động viên và thường xuyên trao đổi để các em có dịp thấu hiểu chính mình. Hãy đưa cho trẻ kiến thức, hiểu biết một cách chính xác và khách quan để trẻ tự ra quyết định. Đặc biệt, gia đình phải là điểm tựa tâm lý vững chắc để các em vững tin vào sự lựa chọn của mình. Dẫu thế nào, con vẫn còn có nơi để về, để làm lại, để suy ngẫm, tự tin.
Bình luận (0)