Mùa dịch Covid-19, hai quán cơm 0 đồng do anh Trần Thanh Long (SN 1981, pháp danh Tâm Kim Thông, trưởng nhóm thiện nguyện Nhất Tâm) sáng lập tại quận 8 và huyện Bình Chánh (TP HCM) phải đóng cửa, anh nảy ra ý tưởng đóng hộp thức ăn để phát mang đi bởi "mùa dịch này, người nghèo lại trăn trở nhiều hơn về những bữa cơm hằng ngày".
Của cho không bằng cách cho
Tính đến nay, anh Long và người đồng sáng lập đang quản lý chuỗi hơn 10 "nhà ăn 0 đồng" ở khắp các tỉnh từ TP HCM, Đồng Nai, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đà Lạt… Ngoài phần kinh phí đóng góp của anh Long, chuỗi nhà ăn còn được duy trì nhờ vào tấm lòng của các thành viên trong nhóm. "Người góp rau, người góp đậu, người góp nước rửa chén… Nhờ vậy mà duy trì được nhà ăn" - anh Long nói.
Cũng chính sự góp công, góp sức của nhiều tình nguyện viên đã tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt cho những khay cơm. "Một phần cơm mà từ người giữ xe, người lặt rau, người nấu nướng đều là tự nguyện hết thì hương vị của phần cơm đó là hương vị của tình yêu thương. Một tình thương không giới hạn của người với người. Đó cũng chính là giá trị to lớn nhất mà tôi nhận được từ chuỗi nhà ăn này".
Khách của nhà ăn phần lớn là người lao động nghèo, người vô gia cư, sinh viên, học sinh và cả người làm văn phòng. Chuỗi nhà ăn chính thức mở cửa từ 11 giờ thứ hai đến thứ sáu mỗi tuần. Mỗi nhà ăn phục vụ từ 150-350 suất/ngày. Những khay cơm ở đây luôn đa dạng món, số lượng tùy vào sức ăn và sau khi dùng xong cơm còn được ăn trái cây tráng miệng.
Một trong chuỗi hơn 10 “Nhà ăn 0 đồng” của anh Long tại huyện Bình Chánh, TP HCM những ngày chưa đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19
Anh Lê Hoàng (35 tuổi, lao động tự do), khách quen của "nhà ăn 0 đồng" tại số 68 đường số 10, khu dân cư Trung Sơn, huyện Bình Chánh, chia sẻ: "Tôi thấy điểm lạ và hay nhất của nhà ăn này là không có thùng nhận tiền từ thiện. Những chỗ tôi ăn trước đây đều có để sẵn thùng tiền, khi ăn xong, tùy lòng hảo tâm mà người ăn sẽ đóng góp lại một khoản tiền cho nhà ăn. Nhiều khi tôi ngại, không dám vào ăn vì trong người không có lấy 5.000 đồng, không đóng góp mà ăn thì cũng ngại".
Chia sẻ về điều này, anh Long cho biết: "Tôi nghĩ nếu cứ để họ tâm tư "không biết phải bỏ bao nhiêu vào thùng tiền từ thiện cho vừa với suất cơm mình nhận được" thì còn gì là ngon. Chưa kể có người bỏ vô 500.000 - 1.000.000 đồng sẽ không tránh khỏi gièm pha "làm từ thiện chắc phải lời lắm mới làm". Vì vậy, tôi quyết định không đặt thùng tiền trong quán. Ai thật lòng muốn đóng góp thì liên hệ với thành viên quản lý nhà ăn của nhóm, để lại họ tên".
Nghĩa tử là nghĩa tận
Không chỉ lo cho bữa ăn của những người lao động nghèo, anh còn tìm về các tỉnh miền Tây bỏ tiền dựng nhà cho bà con. Rồi có người không may chết trong cảnh khốn khó, anh cũng nhận chăm lo chu toàn. Gia đình anh kinh doanh một trại hòm, nhiều lần chứng kiến có gia đình không đủ tiền mua một chiếc áo quan, anh quyết định đứng ra lo liệu mai táng với tâm niệm "nghĩa tử là nghĩa tận". Trong khả năng của mình anh mong giúp người chết tươm tất nhất trước khi về thế giới bên kia.
"Có giai đoạn kinh doanh trục trặc, tôi khó khăn đến mức phải vay tiền của mẹ để duy trì chuỗi nhà ăn 0 đồng và các việc từ thiện khác. Xót xa lắm. May mắn là không những thông cảm, mẹ và em trai tôi còn hỗ trợ và đồng hành với tôi" - anh Long chia sẻ.
Bất cứ đâu có người cần tới, ba mẹ con anh Long lại lên đường giúp đỡ. Nhiều khi không đủ tiền thuê người, mẹ anh xắn tay áo vào tắm cho thi thể. "Riết rồi thành quen, khi nào "kẹt" kinh phí, mẹ vẫn tự tay làm, hỗ trợ tẩm liệm luôn" - anh cười xòa kể lại.
Như duyên lành kết nối nhau, anh Liêu Dũng (SN 1981) hay chuyện đã ngỏ ý được hỗ trợ anh Long. Để rồi từ đó đến nay, mỗi người một việc, hai anh chia nhau xác minh hoàn cảnh người cần giúp, hỗ trợ kinh phí, rồi tìm chùa để gửi tro cốt…; mẹ và em trai anh Long lo hết các khâu an táng. Những gì mà họ nhận được chỉ là những tiếng cảm ơn chân tình nhưng như thế cũng đủ là động lực to lớn để anh, gia đình và bạn bè làm được nhiều hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bình luận (0)